[Gia đình] Đứa con xa trở về

Cát Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị đọc trên báo về câu chuyện cô dâu Ucraina sang Việt Nam 20 năm ròng rã để chăm chồng bị tai biến mạch máu não phải ngồi xe lăn vừa cảm động vừa chạnh lòng. Chị nghĩ đến chồng mình, anh cũng có một mối tình xa sâu đậm nhưng lại chối bỏ.

Đám cưới của chị và anh hết sức giản dị, vì anh đã qua một lần đò; còn chị được xem là gái quá lứa, lỡ thì dù nhan sắc khá mặn mà. Anh bề ngoài khá cao ráo, cách sống lãng tử. Chị gặp anh và xiêu lòng vì cách ăn nói ngọt ngào, cùng cách chiều phụ nữ rất khéo và nhiệt tình của anh. Thêm nữa, anh còn là con của một gia đình trí thức khá nổi tiếng ở Hà Nội… Những điều đó khiến chị, một phụ nữ dù luống tuổi nhưng còn non kinh nghiệm tình trường nhanh chóng hẹn hò với anh, cũng nhanh chóng ngả vào vòng tay của anh.
 Ảnh minh họa.

Cuộc sống gia đình chị diễn ra khá bình thường như bao gia đình khác. Anh bỏ hẳn công việc ở nhà hàng để về phụ việc bán vật liệu xây dựng ở cửa hàng của chị. Tuy không biết làm việc nặng nhưng anh cũng chịu khó đi giao hàng, thu tiền cho chị. Duy có điều anh vẫn tính xưa, tật cũ là la cà quán xá để chơi… cờ tướng, thứ mà anh mê. Anh cũng không bỏ cái tật là tán tỉnh bất cứ phụ nữ nào anh thấy hút mắt bằng kinh nghiệm tình trường phong phú của mình.

Chị nghĩ: Mỗi người có một tật, không ai hoàn hảo cả. Việc thích la cà chơi cờ tướng không có gì quan trọng, mê bài bạc mới đáng sợ. Riêng tội mê gái của anh, chị nghĩ: “Đàn ông nào mà chả mê gái. Tật này của anh có thể sửa chữa dần nếu chị nhắc nhở thường xuyên. Vả lại, rồi anh cũng sẽ già thì sức đâu mà mê gái nữa”.

Tuy nhiên, điều mà chị hết sức thắc mắc là sao anh không chú ý gì đến chuyện con cái. Đời vợ trước anh cũng không có con. Có lần chị hỏi về chuyện này, anh nói rằng đó là do vợ cũ bị vô sinh, hai người đã đi khám và phát hiện ra lỗi của cô ta. Khi chị nói hay là vợ chồng đi khám xem sao, chứ chị đã lớn tuổi, nếu không sinh con e tuổi ngày càng lớn càng khó sinh con, có lúc còn nguy hiểm đến tính mạng. Anh gạt phắt đi, nói rằng, vợ chồng sống cốt là cái tình cái nghĩa, chứ chuyện con cái đâu có quan trọng.

Chị nghe anh nói thì không biết tính làm sao cả. Chị lặng lẽ đi bệnh viện khám sức khỏe một mình và được biết chức năng làm mẹ của mình vẫn bình thường. Chị vừa vui mừng vừa đầy băn khoăn, lo lắng, vì chị và anh “thoải mái” mà sao chị không mang thai.

Thế rồi, một ngày, anh trầm ngâm ngồi bên ấm trà tâm sự với chị: “Anh có đứa con trai ở nước ngoài, nay tìm được địa chỉ của bố, muốn về Việt Nam thăm anh”. Chị vừa bất ngờ, vừa choáng váng. Anh kể, gần hai mươi mấy năm trước anh đi xuất khẩu lao động và gặp một phụ nữ là dân bản địa. Anh và cô ấy yêu nhau, rồi sống với nhau như vợ chồng. Anh về nước rồi mới biết cô ấy có thai và sinh một đứa con trai. Đứa bé đó giờ đã gần 18 tuổi.

Chị không biết nói gì hơn, chỉ lặng lẽ gật đầu đồng ý cho anh tiếp nhận con mình, dù sao đó cũng là giọt máu của anh. Chị chỉ không vui khi biết, anh dù sau đó biết mình đã có con nhưng không hề đoái hoài đến nó, đứa bé tìm được bố là do những người bạn của anh từng đi lao động xuất khẩu cùng anh để ý và tìm kiếm, trong đó gia đình anh cũng có ý nhờ vả.

Con trai anh một ngày xuất hiện. Đứa con trai lai giữa hai dòng máu phương Đông và phương Tây rất đẹp, nó có khuôn mặt hơi giống anh. Nó cũng có tính cách khá giống bố với nét phóng khoáng, lãng mạn, đa tình.

Đứa bé ở Việt Nam khoảng 1 tuần. Trong một bữa cơm, nó tâm sự: “Con về Việt Nam tìm bố vì khao khát được gặp bố. Bây giờ con đã toại nguyện. Ngày mai con trở về nước để chuẩn bị đi học đại học”. Nó nói tiếp, nó cảm ơn anh chị đã tiếp đón nó, nhưng nó nhận ra rằng bố nó bao nhiêu năm qua thực ra không hề nhớ đến nó, bây giờ cũng vậy. Nó chúc bố nó và chị sống hạnh phúc, không cần quan tâm đến nó nhiều, vì lâu nay nó được mẹ nó yêu thương, chăm sóc chu đáo, nó không cần ai khác nữa.

Chị cảm thấy hụt hẫng vì những lời nói của đứa nhỏ với anh và chị. Chị nghĩ, mình liệu có hạnh phúc nổi không khi có người chồng vô tâm như vậy? Chị nhìn anh, thấy anh nét mặt đọng lại nỗi buồn và sự hối hận. Anh chỉ biếp lắp bắp: “Con, con…”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần