[Gia đình] Gái lắm công, chồng không phụ

Nguyễn Ngư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tôi không hiểu rồi con nhỏ này lớn lên sẽ làm được cái gì, nó ăn gì mà ngu thế, mới hơn 3 tuổi đầu đã thế này rồi thì sau lớn lại nuôi nợ...”, đó là một trong vô vàn tin nhắn mà Phương nhận được từ chồng sau khi con nhập viện.

Đêm đã khuya, đồng hồ lúc này đang điểm 12 giờ đêm. Suốt cả buổi chiều đưa con đi cấp cứu, nhờ vả người này người kia rồi chạy lo thủ tục nhập viện, òa khóc khi bác sĩ thông báo trong bụng bé đang có cục pin nhỏ, cần nhập viện theo dõi. Quá mệt mỏi, Phương tắt điện thoại để có thể chợp mắt một chút nhưng những tin nhắn của chồng như giọt nước tràn ly những uất ức bấy lâu nay,
Phương không thể ngủ, cô mở máy nhắn lại “Anh im đi, anh thấy mình có xứng làm bố không?”. Chưa bao giờ cô cảm thấy tủi thân như lúc này, mang tiếng có chồng nhưng việc gì cô cũng phải xoay xở một mình, gia đình nội ngoại hai bên đều ở xa.
[Gia đình] Gái lắm công, chồng không phụ - Ảnh 1 Gái lắm công, chồng không phụ
 Ảnh minh họa.
Chuyện con cô phải nhập viện ngày hôm nay, thay vì nhận trách nhiệm về mình thì chồng cô đổ lỗi cho một đứa trẻ hơn 3 tuổi. Một đứa trẻ 3 tuổi chưa hoàn toàn nhận thức được hết tất cả những nguy hiểm quanh mình, vậy mà một người cha lại thản nhiên để con chơi với những cục pin đồng hồ bé xíu, để rồi con bé cho vào miệng nuốt luôn.
Từ lúc xảy ra chuyện anh ta liên tục đổ lỗi cho con: nào là chơi ngu, nào là không biết gì, chỉ biết báo hại cha mẹ lo lắng... Lo lắng? Cô không biết anh lo lắng được gì cho con, khi cô đi làm để con ở nhà cho anh ta trông, con bệnh anh ta cũng chỉ biết mua hộp cháo loãng ngoài quán, con ăn được vài miếng anh ta để lại cho con ăn bữa sau. Kết quả con bé bệnh càng nặng, cô phải nghỉ làm ở nhà chăm con.
Hôm sau anh ta cũng vác mặt vào thăm con, ừ vào thăm cho có lệ, vì ngoài vài ba câu hỏi thăm bệnh tình thì anh ta không làm gì khác, không trò chuyện, không chơi với con, cũng không mang đồ chơi hay món đồ ăn nào vào cho con. Không ai nghĩ anh ta là bố của con bé! Phương cảm thấy thà anh ta đừng vào còn hơn, để cô đỡ bực mình, để con cô được ngủ yên giấc.
Phương đâu phải sắt đá mà không biết mệt mỏi, mà dẫu có là sắt đá thì cũng bị bào mòn, rõ nhất là cô già đi trông thấy. Nhiều khi cô muốn buông xuôi cuộc hôn nhân này nhưng nghĩ đến các con lại gạt nước mắt cố gắng. Nếu chỉ là những mệt nhọc chân tay thì đâu có đáng, đi làm kiếm tiền, về nhà cô lại tiếp tục cắm mặt làm việc nhà, nấu nướng chăm con, ngày nào cũng quần quật từ 6 giờ sáng cho đến 11 giờ đêm mới được ngả lưng, những ngày con bệnh thì thức trắng mấy đêm liền.
Trong khi đó, chồng ở nhà luôn có 1001 lý do công này việc kia, để việc nhà phải đến tay vợ. Mệt mỏi nhất với Phương đó là khi phải nghe những lời cằn nhằn từ chồng, con khóc thay vì dỗ con thì chồng cằn nhằn rồi chửi con khóc dai; quần áo phơi gặp trời mưa ướt cũng chửi trời chửi đất rồi quay ra chửi Phương; anh ta ra ngoài đánh rơi mất điện thoại, về nhà anh ta cũng chửi um sùm, anh ta đổ lỗi vì sáng nay ra cửa đụng Phương nên xui xẻo;... tất cả mọi việc xấu xảy ra anh ta đều tìm cách đổ lỗi cho người khác, và phần lớn thì đó sẽ là lỗi của Phương.
Một người đàn ông không đủ khả năng để lo kinh tế cho gia đình vợ con, luôn bất mãn với cuộc đời. Đương nhiên, anh ta cũng không có khả năng để dạy con. Vì vậy khi để con ở nhà với anh ta, Phương luôn trong tâm trạng không yên, sợ con sẽ bị nhiễm những thói hư tật xấu, rồi với cách dạy con của anh ta sớm muộn con cô cũng là một phiên bản thứ 2 của anh ta trong nhà.
Rồi mọi thứ lại đổ lên đầu Phương, Phương biết hết. Nhưng Phương vẫn không thể ly hôn vì muôn ngàn lý do, mà lý do lớn nhất là vì bố mẹ, vì gia đình Phương, họ đã quá khó khăn rồi, Phương không muốn có thêm gánh nặng nào đè lên vai họ nữa.
Ngày qua ngày, Phương quen thuộc với những cằn nhằn chửi bới của anh ta, quen thuộc với những công việc lặp đi lặp lại. Có lúc vô thức Phương chửi lại anh ta, rồi nhìn lại không còn nhận ra bản thân mình nữa.
Người ta có câu “Gái có công, chồng không phụ”, ý chỉ người phụ nữ biết vun vén cho gia đình thì chồng không phụ. Trường hợp của Phương thì khác, “Gái lắm công, chồng không phụ" - "không phụ" ở đây nghĩa là: vợ có trăm công ngàn việc, nhưng chồng không phụ việc nào.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần