Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Gia đình] Gia đình là... yêu nhau lắm, cắn nhau đau?

Nam Ngư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là một câu chuyện của thời gian dịch bệnh Covid - 19! Ấy là suốt 3 tháng chúng tôi bị hạn chế ra đường, giảm thiểu các cơ hội đi lại giữa tỉnh này với tỉnh khác.

Thế là một tổ ấm tạm thời được hình thành gồm vợ chồng em gái cùng 2 con, mẹ tôi cùng vợ chồng tôi, cô con gái nhỏ và chú chó trong một căn nhà nhỏ nơi cuối hẻm, trong cái nóng bụi bậm của thành phố lớn.
Lúc ấy, khi tôi thu dọn đồ đạc, một chút nghi ngờ len lỏi vào. Năm người lớn chúng tôi chưa bao giờ sống lâu với nhau dưới một mái nhà. Liệu tôi có lúc nào đó “ngứa miệng” như cách gọi của một người bạn và vô tình nói điều gì đó gây tổn thương? Trước đó một thời gian, trong một phút bất cẩn vì kiệt sức, tôi đã nói lời không phải với em rể bằng một lời nhận xét thiếu suy nghĩ. Cậu ấy bị tổn thương, và phải mất rất nhiều cuộc điện thoại và em gái, mối quan hệ giữa chúng tôi mới tạm trở lại bình thường.
 Ảnh minh họa.
Chị em chúng tôi đã được lớn lên trong sự rạn nứt khó hàn gắn đó là cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi. Xung đột suốt đời của họ đã gieo rắc sự bất hòa và chia rẽ mọi người xung quanh. Tôi đã làm việc chăm chỉ để tạo ra một không khí gia đình khác biệt, xây dựng năng lượng tích cực với chồng và con của chúng tôi. Tuy nhiên, những bóng ma cũ vẫn còn ám ảnh tôi và tôi không muốn phá hỏng một điều tốt đẹp.

Ông bà ta cũng thường nói rồi, “Gần mỏi miệng, xa mỏi chân”. Vì vậy, khi chúng tôi sống chung với nhau dưới một mái nhà, trong một khung cảnh đầy khó khăn, bức bối, có lẽ có rất nhiều cơ hội để căng thẳng và tổn thương cảm xúc. Nhưng, từ kinh nghiệm của tôi, những khoảnh khắc này cũng đưa đến nhiều kết nối.

Em gái tôi tạm thời không làm cô giáo, em rể bị giảm giờ làm, thậm chí ông chủ khuyến khích em rể tôi nghỉ không lương một thời gian. Hai đứa cháu náo loạn vì đứa lớn chuẩn bị thi lớp 10, đứa nhỏ hơn vào lớp 6. Chồng tôi cũng bị cắt giảm giờ làm, và tôi ổn định với mức lương cơ bản trong một cơ quan nhà nước. Cuộc sống của tôi vốn thích yên tĩnh, giờ cả nhà ồn ào nhốn nháo khi bọn trẻ kể tội nhau, tiếng em rể quá to vì thói quen nghề nghiệp, mẹ tôi mở tivi quá lớn tiếng để coi tin tức vì bà bị lãng tai…

Tuy nhiên, bạn có thể biến những bất tiện ấy thành điều thú vị. Tôi bỗng trở thành người phân xử cho mấy đứa nhỏ, tôi lại được xem tin tức với mẹ, điều tôi thường làm khi còn ở quê nhà những năm tháng học trung học. Thật hay, những thói quen nhỏ đang quay trở lại cuộc sống mà tôi hầu như đã bỏ mất vì bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống.

Sống cùng nhà cũng giúp hai chị em gắn bó hơn. Em gái tôi học lớp bảy khi tôi lên đại học và lên thành phố sinh sống. Đến nay, em ấy đã lấy chồng. Rất nhiều sự trưởng thành xảy ra giữa những năm tháng đó, nhưng tôi đã không bỏ lỡ rất nhiều thời gian để sống chung và chia sẻ với em trong suốt một khoảng thời gian dài. Tôi cảm thấy như sống với gia đình đã mở rộng thế giới của bản thân hơn là giới hạn nó. Tôi vẫn có thể mở tiệc tùng, tôi vẫn có thể có những cuộc trò chuyện thú, không chỉ với bạn bè qua mạng mà còn với em gái, mẹ tôi.

Sự sắp xếp cuộc sống của chúng tôi - ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà, với tôi, là cơ hội “ngàn năm có một” để mọi thành viên trong gia đình học cách chia sẻ, làm việc cùng nhau để giảm bớt gánh nặng, hỗ trợ tài chính cho nhau, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch, và cùng chăm sóc mẹ tôi - có lẽ cũng là một đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Điều quan trọng nhất, từ kinh nghiệm bản thân, chúng tôi có thêm nhiều đêm, nhiều bữa ăn tối cùng nhau, ngồi lại để thảo luận với nhau phương cách trang trải các chi phí sinh hoạt hàng tháng, xoa dịu những căng thẳng bằng năng lượng tích cực. “Chén trong chạn còn khua”, va chạm hàng ngày không thể tránh khỏi, nhưng chúng tôi vẫn là gia đình yêu thương lẫn nhau, nên mọi người luôn thấu hiểu, kiên nhẫn và cùng cười với nhau.

Điều tôi sợ hãi nhất bây giờ, mẹ và em gái chiều tôi quá rồi. Tôi chỉ sợ đến lúc quay lại cuộc sống bình thường, lười quá thì phải làm sao?