[Gia đình] Một lần lỡ đò

Cát Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chuyện “lỡ đò” thật, khi chị đợi chuyến xe buýt đi về thành phố nhưng đến nơi thì xe vừa rời trạm dừng, đành ở lại thêm hơn 10 phút chờ chuyến sau. Như định mệnh, chị gặp anh và lại thêm một lần dang dở.

Hôm đó, chị còn nhớ trời vào thu. Có việc lên thành phố, chị ra trạm chờ xe buýt thì anh cũng đến. Thoạt nhìn, chị đã có cảm tình cùng anh. Người anh có vẻ thư sinh, cao ráo, mái tóc cắt ngắn nam tính. Anh chủ động bắt chuyện với chị và cho chị biết anh là đầu bếp của một nhà hàng nổi tiếng ở Hà Nội. Chị cũng cho anh hay, chị đang học trường nghề du lịch, môn chị yêu thích là nấu các món Âu - Á. Hai người cùng lên xe buýt và ngồi gần nhau trò chuyện tiếp.
Câu chuyện dài sau đó như diễn ra một cuốn phim quay chậm, chị nhớ rõ mồn một, nào là việc xin số điện thoại của nhau, hẹn hò rồi anh rủ chị về nhà hàng của anh làm phụ bếp… Nguyên tắc của đa số nhà hàng lớn là người mới vào phải làm từ những công việc đơn giản như rửa bát, nhặt rau… rồi mới đến đứng phụ bếp.
 Ảnh minh họa.
Nhờ có anh, chị rút ngắn được ít tiến trình công việc đó. Chị được cất nhắc lên đứng bếp, đầu tiên là làm các món nộm. Tuy nhiên, chị và anh cũng nhanh chóng rút ngắn tìm hiểu nhau và quyết định sống chung. Anh “dụ dỗ” (có lẽ đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) rằng đằng nào thì họ cũng sẽ cưới nhau, rằng hai người ở chung đỡ tốn tiền thuê nhà trọ, có nhiều thời gian trao đổi với nhau về nghiệp vụ hơn… Chị lúc đó vì yêu và ngưỡng mộ tài nấu ăn của anh nên nhanh chóng gật đầu.

Thời gian họ sống chung với nhau cũng như cuốn phim quay chậm. Lúc mới về ở chung, chị và anh như hai người bạn tri kỷ, chủ đề quan tâm chung của họ là nấu ăn, phim ảnh, âm nhạc…
Thế nhưng chỉ sau một năm, chị trở thành như người giúp việc cao cấp của anh. Đặc biệt, vài năm sau nữa, chị nhắc anh chuyện làm đám cưới thì anh cứ khất lần lữa, rằng khi nào có nhà riêng rồi hãy làm đám cưới. Với bản tính nhẹ dạ, chị cũng cho qua. Nhưng vì thời gian ở chung nhau khá lâu, thêm vài năm nữa, khi chị nhắc làm đám cưới, anh tiếp tục hoãn. Để tạo lòng tin với chị, anh dẫn chị về nhà ra mắt bố mẹ mình và giới thiệu là “con dâu tương lai”. Lúc này, chị của anh mới nói rằng, nếu anh đã xác định cưới vợ thì cưới đi. Anh nói chưa cưới vì chưa có nhà riêng thì bị phản bác là có vô số người chưa nhà vẫn cưới vợ đấy thôi… Nghe vậy, anh ậm ừ cho qua chuyện. Sau đó, không phải chị nhắc anh chuyện cưới xin mà gia đình anh cũng thúc giục, thậm chí chị của anh còn nói nếu không có tiền làm đám cưới thì chị cho mượn, có phong bì mừng cưới rồi trả cho chị. Đến lúc này anh không dám dẫn chị về nhà nữa.
Còn chị, việc giục cưới mãi chị cũng chán, chị nói với anh nên có con. Anh cũng lại lấy lý do là chưa có nhà cửa nên không muốn con ra đời trong vất vả, sống thiếu tiện nghi.

Đến lúc này chị mới lờ mờ hiểu rằng có một chuyện gì đó không rõ ràng trong cuộc sống già nhân ngãi non vợ chồng của anh chị. Tìm hiểu thêm, chị biết anh có cuộc sống vô cùng ích kỷ, không muốn có vợ, thậm chí có con. Anh chỉ muốn có chị vì như có một người giúp việc cao cấp và miễn phí.

Được sự động viên của gia đình, chị chia tay với anh. Tuy mọi thứ khá đau đớn nhưng cũng nhẹ nhàng vì họ chưa làm đăng ký kết hôn, cũng không có tài sản chung gì. Khi chia tay anh, chị nghĩ đến lần “lỡ đò” định mệnh năm xưa và lần “lỡ đò” cho duyên số bây giờ. Chị hối hận là đã nhiều người khuyên chị về cuộc sống chung, sống thử của chị nên chấm dứt, nhưng chị đã bỏ ngoài tai.

Sau vài năm sau chia tay cuộc sống đầy giả dối nói trên, chị gặp được người thực sự yêu thương mình. Anh ấy cũng là một đầu bếp tài năng. Điều quan trọng là anh biết về cuộc sống lỡ làng trước đó của chị.
Anh nói: “Chúng ta xây dựng cuộc sống mới yêu thương và tốt đẹp em nhé”. Hai người nhanh chóng làm đám cưới thật đầm ấm. Giờ đây ẵm đứa con kháu khỉnh, chị thật hạnh phúc khi nghe tiếng chồng gọi mở cửa và lại âu yếm con với anh mắt hân hoan. Chị thầm nghĩ, đây mới là cuộc sống mình mong đợi, mình sẽ cùng chồng gìn giữ nó.