Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngày Quốc tế trẻ em gái (11/10):

Gia đình sinh con gái một bề: Đồng lòng vun đắp hạnh phúc gia đình

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tại Hà Nội có nhiều gia đình sinh con một bề là gái nhưng cuộc sống của họ vẫn luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Thực tế ấy cho thấy, hạnh phúc không phải đến từ việc sinh con trai hay gái mà chính là nỗ lực cùng nhau vun đắp, giáo dục con cái.

Quyết không sinh thêm con trai, dồn sức nuôi con gái "thành người"

Trong xã hội hiện đại, đâu đó vẫn còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ nhưng cũng có không ít cặp vợ chồng đã vượt lên những định kiến, dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Họ không chỉ thực hiện đúng chính sách dân số mà còn thấy được nhiều lợi ích từ việc sinh con gái.

Câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Hữu Nam (sinh năm 1980) và chị Đinh Thị Linh (sinh năm 1983) ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn là một minh chứng điển hình. Là người chứng kiến, đồng hành cùng vợ trong hai lần "vượt cạn", thấm thía và hiểu nỗi vất vả của vợ nên anh Nam càng trân trọng gia đình nhiều hơn.

Dù sinh 2 con gái nhưng gia đình anh Nguyễn Hữu Nam và chị Đinh Thị Linh ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn quyết không sinh thêm mà dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.
Dù sinh 2 con gái nhưng gia đình anh Nguyễn Hữu Nam và chị Đinh Thị Linh ở thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn quyết không sinh thêm mà dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

“Mặc dù ở nông thôn, sinh 2 con gái, gia đình kinh tế khó khăn nhưng vợ chồng tôi không chịu sự áp lực về việc phải có con trai. Vợ chồng tôi thường bảo nhau "con nào cũng là con", chứ giờ mà cố sinh thêm đứa con trai mà không có điều kiện nuôi con ăn học thì tội lắm. Vì thế, gia đình tôi dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt” - anh Nam chia sẻ.

Ngày nay, nhiều gia đình sinh con một bề là gái đã nỗ lực cùng nhau vun vén, xây dựng hạnh phúc. Với họ, dù là trai hay gái, sinh con ra khỏe mạnh, ngoan ngoãn và học giỏi là cuộc sống cũng đầy đủ, viên mãn lắm rồi.

Vốn không được may mắn như những gia đình khác, hoàn cảnh kinh tế gia đình anh Nguyễn Bá Hưng (sinh năm 1980) và chị Vũ Thị Lan (sinh năm 1988) trú tại thôn Quế Sơn, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai vấp phải rất nhiều khó khăn.

Bản thân anh Hưng sinh ra vốn bị ảnh hưởng chất độc da cam nên cuộc sống gặp rất nhiều hạn chế. Còn chị Lan làm may gia công, kết hợp sản xuất nông nghiệp nên thu nhập không đáng là bao. Thế nhưng, may mắn hạnh phúc đã đến với họ khi sinh được cô con gái Nguyễn Thị Kim Huệ (2008) lành lặn, khỏe mạnh. Anh chị luôn mỉm cười toại nguyện vì cô con gái ngoan hiền 8 năm liền luôn có thành tích học tập cao nhất.

“Hiện, em đang học lớp 9 tại trường THCS Nguyễn Trực, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai. Sắp tới thi vào lớp 10, em rất mong muốn thi đỗ vào trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng bố mẹ, đồng thời, cũng nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo để truyền đạt kiến thức cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Em tự hứa với bản thân, sau này sẽ trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội và cộng đồng” - em Huệ chia sẻ.

Hoàn cảnh, kinh tế gia đình anh Nguyễn Bá Hưng và chị Vũ Thị Lan trú tại thôn Quế Sơn, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai gặp phải nhiều khó khăn khi bản thân anh Hưng bị ảnh hưởng chất độc da cam.
Hoàn cảnh, kinh tế gia đình anh Nguyễn Bá Hưng và chị Vũ Thị Lan trú tại thôn Quế Sơn, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai gặp phải nhiều khó khăn khi bản thân anh Hưng bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Từ câu chuyện của những gia đình hạnh phúc một bề là gái, có thể thấy điều quan trọng không phải là sinh con trai hay con gái, mà chính là việc giáo dục con cái trở thành người có ích. Để có được niềm vui và hạnh phúc như hiện tại, các gia đình có 2 con một bề là gái đã phải luôn nỗ lực vun vén, tạo sự đồng cảm, thấu hiểu giữa vợ và chồng để cùng nhau chăm lo gia đình hạnh phúc.

Nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái

Theo ông Nguyễn Khánh Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai, nếu trẻ em gái được quan tâm toàn diện hơn sẽ nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em, tạo nền tảng tốt cho các thế hệ tương lai. Vì vậy, việc đầu tư chăm sóc, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn là một việc làm nhân văn cho trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng mà lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền trên địa bàn huyện Thanh Oai luôn hướng tới.

Trên địa bàn huyện Thanh Oai, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) tính đến tháng 9/2022 là 115 trẻ trai/100 trẻ gái. MCBGTKS sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng "thừa nam, thiếu nữ". Hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: Việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Điều này còn có thể gây nên sự gia tăng về nhu cầu mại dâm và buôn bán phụ nữ...

Để giảm thiếu MCBGTKS, lãnh đạo huyện Thanh Oai đã kiến nghị Ban chỉ đạo Dân số & Kế hoạch hóa gia đình (DS&KHHGĐ) các cấp triển khai giáo dục, tuyên truyền, vận động... nhằm nâng cao vị thế phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, xã hội. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định của pháp luật về nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi…

Bàn về đến vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục DS&KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở mức dưới 2,1 con. Hầu hết hệ thống y tế cơ sở đã cung cấp đầy đủ dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Vì thế, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại duy trì ở mức 76% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Riêng số sinh trong 6 tháng đầu năm 2022 là 42.868 trẻ, giảm 1.978 trẻ so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, số trẻ là con thứ 3 trở lên là 3.086 (đạt tỷ lệ 7,2%), giảm 321 trẻ (giảm 0,4% trẻ so với cùng kỳ năm 2021). Ngoài ra, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 84,24% (tăng 0,31% so với cùng kỳ năm 2021); sàng lọc sơ sinh là 89,17% (tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2021).

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thời gian qua, Hà Nội luôn quan tâm, coi trọng công tác dân số và phát triển chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác DS &KHHGĐ chuyển hướng sang dân số và phát triển KHHGĐ không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời, giảm số ca tử vong mẹ và trẻ em.

Tỷ số giới tính khi sinh của TP Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. Chỉ tiêu năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của toàn TP là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái hoàn thành chỉ tiêu năm.

Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn TP Hà Nội đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị. Dẫn đến hiện tượng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn và phá vỡ cấu trúc gia đình, ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.

Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10 và Ngày Quốc tế Người cao tuổi Việt Nam năm 2022, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn TP, đặc biệt tại một số đơn vị Thanh Xuân, Đan Phượng tổ chức hội nghị gặp mặt biểu dương người cao tuổi vận động con cháu thực hiện tốt chính sách dân số. Một số đơn vị tại Thanh Oai, Sóc Sơn, Long Biên, Thanh Trì tổ chức Hội nghị Biểu dương trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu; Cầu Giấy, Phúc Thọ, Hoài Đức, Hoàn Kiếm tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10.

Ngoài ra, các đơn vị tổ chức truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, nhân bản, cấp phát tờ rơi sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, MCBGTKS…

Mặc dù vậy, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Theo cơ cấu dân số, hàng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số. Quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao. Do vậy, công tác dân số và phát triển cần tích cực triển khai bằng các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

 

"Những năm qua, huyện Sóc Sơn đã dành được nhiều thành tựu đáng kể trong công tác dân số và phát triển của huyện. Mức sinh được khống chế, tốc độ gia tăng dân số đã chậm lại, chất lượng dân số từng bước được nâng cao. Tỷ số giới tính khi sinh trong 10 năm trở lại đây đã giảm mạnh (từ 125 bé trai/100 bé gái (năm 2011) giảm xuống còn 112 bé trai/100 bé gái (năm 2021), giảm 13 điểm phần trăm năm tức là giảm ½ so với 10 năm. Nhưng vẫn ở mức cao hơn so với mức cho phép (từ 103-107 bé trai/100 bé gái). Hiện tại, 9 tháng đầu năm 2022, tỷ số là 115 bé trai/100 bé gái, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước là 119 bé trai/100 bé gái" - ông Hồ Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Dân số và phát triển huyện Sóc Sơn