Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Gia đình] Vui buồn chồng thấp vợ cao

TS. Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị lấy anh không thể nói là không có sự cân nhắc kỹ, bên cạnh sự đồng cảm, thương yêu. Tuy nhiên, sau khi cưới họ bắt đầu thấy rõ sự khác biệt về quan niệm sống, trình độ văn hóa. Sự khác biệt này tưởng chừng như không thể vượt qua.

Chị vốn là học sinh giỏi ngay từ trường tiểu học… Sau đó, chị dễ dàng thi đậu vào trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, rồi học sau đại học, làm luận án tiến sĩ. Chị gặp anh ở nước ngoài khi anh đi xuất khẩu lao động theo diện ưu tiên. Chị do mải mê học hành và vốn sống khiêm nhường, kín đáo, ngại giao tiếp nên mãi đến khi chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ mà vẫn chưa có người yêu. Vì lẽ đó, khi gặp anh tình cờ trong lần sinh nhật người bạn, ngồi cạnh anh trao đổi vài lời qua lại, chị bị ấn tượng với giọng nói ấm áp. Anh cũng nhân cơ hội từ đó tán tỉnh chị bằng cách gặp gỡ chị sau buổi học trên giảng đường, rồi mời chị đi uống nước giải khát.
 Ảnh minh họa.
Chị tự ngạc nhiên là trong suốt thời gian quen anh, chị không hỏi anh đang làm gì. Bởi chị quan niệm: Anh là người Việt ở nước ngoài đương nhiên là thành phần… cơ bản rồi. Thời đó, người Việt sang Đông Âu, Liên Xô (cũ) chủ yếu là được đi học hoặc lao động, hiếm người đi chơi, du lịch.

Phần nữa, chị thấy anh dễ mến, đẹp trai với ánh mắt vui vẻ, thân hình cân đối. Ở nước ngoài xa gia đình dễ rơi vào cảm giác cô đơn cũng là điều khiến chị muốn làm bạn với anh.

Sau khi về nước, làm đám cưới, sống chung với anh, chị bắt đầu nhận ra những điều khác biệt. Đầu tiên, chị biết những sở thích của chồng khá xa lạ với chị, kiểu như: Anh thích xem phim võ thuật của Trung Quốc, thích nghe nhạc sến… Còn chị thích không gian yên tĩnh, đọc sách, học thêm ngoại ngữ, xem chương trình thời sự trên ti vi…
Do nhà nhỏ hẹp nên lối sống khác biệt giữa anh chị gây không ít phiền toái. Nhiều lúc chị cần yên tĩnh thì nghe tiếng đấm đá huỳnh huỵch. Anh cũng gây phiền phức khi thỉnh thoảng rủ bạn bè về nhà ăn nhậu, họ ngồi rất lâu. Chị đi làm về muốn nghỉ ngơi lại phải kiên nhẫn chờ khách về mới được ngủ nghỉ.

Tuy nhiên, khi nghe bạn bè hỏi thăm chuyện chênh lệch quá nhiều giữa cô vợ tiến sĩ và anh chồng lao động phổ thông (sau này anh kinh doanh tự do), chị bênh vực chồng, kiểu: Anh ấy làm việc nhà rất giỏi nhé; nấu ăn ngon ơi là ngon; kiếm tiền giỏi đấy và lái xe rất siêu…

Thực ra, chị đã tâm sự với chồng khá nhiều giữa sự hòa hợp vợ chồng trong cách sống. Chị nói rằng, lối sống của mỗi người không có ai đúng, ai sai miễn là không xấu. Tuy nhiên, khi đã về chung một nhà thì nên tìm hiểu sở thích, nhu cầu của mỗi người để hòa hợp. Chị ví dụ: Anh thích xem phim võ thuật thì cứ xem, nhưng có thể đeo tai nghe để không ồn, ảnh hưởng đến việc đọc sách, nghiên cứu của chị.

Trong những lần chị tâm sự với chồng, anh đều lắng nghe và thay đổi dần cách sống. Chị rất vui khi anh dần chú ý hơn, tránh gây cản trở công việc của chị, bớt những bữa nhậu kéo dài vô bổ, mua tai nghe để xem phim… Chị cũng thích thú khi anh biết chăm sóc chị bằng những bữa ăn ngon với tài nấu ăn rất khéo. Mỗi lần chị đi làm về, anh đều chuẩn bị cơm nước xong, dù anh cũng bận bịu với công việc kinh doanh của mình. Hơn thế, mỗi khi chị cần mua sách hay tài liều gì đó, anh đều sẵn sàng làm… nhà tài trợ. Công việc của chị bận bịu suốt ngày từ giảng đường đến phòng thí nghiệm nhưng thu nhập không cao, anh với khả năng kinh doanh của mình là hậu phương vững chắc cho chị.

Vài năm sau cưới, anh chị có con, cô công chúa kháu khỉnh. Lúc này chị mới nhận ra đức tính mới của chồng: Anh chăm con rất khéo, từ cho ăn đến dỗ con ngủ.

“Bây giờ chồng thấp, vợ cao/ Như đôi đũa lệch so sao cho vừa”, người xưa đã băn khoăn như vậy. Tuy nhiên, chị nghĩ, nếu thật sự tôn trọng nhau, dù vợ chồng có sự chênh lệch về trình độ văn hóa thì vẫn có thể hòa hợp được. Với trường hợp của chị, ngay từ lúc cưới anh, chị đã không hề băn khoăn về sự khác biệt.
Ngược lại, anh cũng không có sự mặc cảm đến sự khác biệt đó. Sau đó, chị và anh đã nhắc nhở nhau sao cho cuộc sống gia đình hòa thuận. Và may sao, gia đình chị không có sự chênh lệch nào, “đôi đũa” bằng nhau. Mỗi lần gia đình đi chơi, trên chiếc xe do tự anh lái, nhìn anh chị cảm thấy tự hào vì người đàn ông của mình chu toàn cho cuộc sống gia đình.