Theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị vào ngày 15/9, tại 2 siêu thị và một số cửa hàng bán gạo trên địa bàn Hà Nội nhận thấy những nghịch lý giá của các loại gạo bán trên thị trường.
Gạo trên thị trường tự do cạnh tranh giá
Theo như phản ánh của một số tiểu thương kinh doanh gạo trên thị trường tự do: Kể từ vụ lúa xuân đầu năm 2015 kết thúc, vào khoảng tháng 6, tháng 7 đến nay giá lúa, gạo trên thị trường bắt đầu giảm giá dần. Nhưng giảm sâu nhất là khoảng 1 tháng trở lại đây.
Một chị kinh doanh gạo tại chợ Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân chia sẻ: Chị kinh doanh gạo cả chục năm nay. Quê chị ở Hưng Yên nên chị về tận quê mua gạo ra Hà Nội bán, nhưng chưa có khi nào vào giáp vụ gặt mới mà giá lúa, gạo trên thị trường lại rẻ đi như năm nay.
Theo quan sát của phóng viên, ở các chợ đều có vài quầy hàng bán gạo. Trên các tuyến phố, nhất là những khu vực có chợ cóc, chợ tạm đều có cửa hàng bán gạo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hầu hết các quầy bán gạo ở chợ hay các cửa hàng bán trên các tuyến phố của Hà Nội đều có chung mức giá: Gạo tẻ thường bán ở mức từ 11.000 – 13.500 đồng/kg tùy vào chất lượng của mỗi loại gạo. So với thời điểm đầu năm, gạo tẻ thường đã giảm 10.000 – 15.000 đồng/yến. Gạo tám có giá từ 13.500 – 15.000 đồng/kg, tùy theo nơi sản xuất. Gạo tám đặc biệt Hải Hậu luôn ở mức giá bán cao nhất từ 14.500 – 15.000 đồng/kg. Giảm từ 15.000 – 20.000 đồng/yến. Gạo tám Điện Biên có giá bán ở mức 16.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng/yến. Nếp cái hoa vàng có giá bán từ 25.000 – 26.000 đồng/kg, giảm từ 60.000 – 70.000 đồng/yến so với những tháng đầu năm.
Lý giải về nguyên nhân giá gạo giảm, các tiểu thương cho hay: Năm nay gạo xuất khẩu chậm, thương lái về các địa phương mua ít. Mặt khác, do hội nhập kinh tế nên gạo của các nước trong khu vực, đặc biệt là các loại gạo của Thái Lan đã xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Tại chợ trước kia chỉ bán gạo sản xuất trong nước thì gần đây bán cả gạo Thái Lan với nhiều loại khác nhau như gạo tẻ thường, gạo nếp, gạo hương thơm…. Cùng với đó, giá xăng dầu gần đây đã giảm sâu. Chi phí vận chuyển gạo đã giảm nên tiểu thương chúng tôi giảm giá bán để cạnh tranh nhau. Vì bây giờ nhiều người bán, không cạnh tranh về giá thì khó bán được hàng.
Gạo trong siêu thị một mình một giá khác thường
Ghi nhận của phóng viên tại 2 siêu thị trên địa bàn Hà Nội trong ngày 15/9 (xin không nêu tên siêu thị), đây đều là những siêu thị thu hút được số lượng người tiêu dùng mua sắm khá lớn.
2 hệ thống siêu thị này đều thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, thường xuyên triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng bán ở nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, với gạo thì lại khác.
Theo dõi nhiều ngày qua, có nhiều yếu tố tác động đến giảm giá hàng bán, trong đó có gạo nhưng với các siêu thị mà phóng viên đến tìm hiểu đều không thấy giảm giá.
Gạo tẻ thường bán tại siêu thị là trên 14.000 đồng/kg, cao hơn gạo tẻ thường ngoài thị trường tự do từ gần 10.000 đến 30.000 đồng/yến. Gạo Bắc hương Hải Hậu (theo tên gọi của các tiểu thương là gạo tám đặc biệt Hải Hậu – gọi chung là gạo tám Hải Hậu) có giá bán 118.300 đồng/túi 5kg, tương đương với 23.600 đồng/kg – loại đã đóng túi sẵn. Cùng loại gạo này, nhưng bán cân lẻ là hơn 20.000 đồng/kg. So với trên thị trường tự do gạo tám Hải Hậu tại siêu thị có giá bán cao hơn là từ 50.000 - 86.000 đồng/yến. Gạo tám Điện Biên có giá bán 22.700 đồng/kg, cao hơn thị trường tự do 67.000 đồng/yến. Nếp cái hoa vàng có giá bán 31.000 - 32.000 đồng/kg, cao hơn thị trường bên ngoài là từ 50.000 – 60.000 đồng/yến.
Cũng là người tiêu dùng, phóng viên thường xuyên đi chợ mua gạo, nếu đem so sánh giá gạo của siêu thị với giá gạo ngoài thị trường tự do thì đây là giá gạo bán trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua. Như vậy, sau rất nhiều yếu tố tác động làm giảm giá gạo, song những hệ thống siêu thị vẫn giữ nguyên giá bán của 8 - 9 tháng trước.
Như vậy, nếu người tiêu dùng mua gạo tại siêu thị trong thời điểm này đang bị mất vài chục nghìn đồng/yến gạo.
Nhân câu chuyện giá gạo ở 2 kênh phân phối, có những mức giá chênh lệch nhau quá lớn, phóng viên đã tìm hiểu số liệu thống kê xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm. Trong đó có 5 tháng, Việt Nam xuất khẩu gạo trên 500.000 tấn, đó là những tháng 2, 3, 5, 6, 7.
Tuy là xuất khẩu gạo vẫn tăng về số lượng, song theo một số chuyên gia kinh tế trong buổi hội thảo về lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam gần đây nhất cho rằng, gạo Việt Nam đang bị các đối thủ “qua mặt”.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, gạo Việt không chỉ cạnh tranh với gạo Thái Lan mà cả gạo của Lào, Campuchia, Ấn Độ. Đặc biệt, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam chiếm khoảng 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta thì hiện tại nước này đang đẩy mạnh phát triển diện tích sản xuất gạo, đồng thời triển khai nhiều biện pháp ngăn cản việc nhập lậu gạo qua biên giới. Đây chính là một trong những yếu tố mà giá gạo trên thị trường tự do đã giảm trong thời giam gần đây.
Dẫn lời của bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay Bộ NN&PTNT), trao đổi tại buổi hội thảo, được đăng trên báo điện tử Người lao động ngày 9/9/2015: “Cơ chế “độc quyền tập thể” đang làm cho ngành lúa gạo bị thụt lùi, doanh nghiệp tư nhân khó phát triển”.
Phải chăng, sự độc quyền đó ở ngay giá gạo mà doanh nghiệp đang cung ứng tại các siêu thị Việt, cho người Việt?
Gạo tẻ thường ở chợ đã giảm 10.000 - 20.000 đồng/yến so với khoảng hơn 1 tháng trở lại đây.
|
Gạo tám đặc biệt Hải Hậu luôn ở mức giá bán cao nhất từ 14.500 – 15.000 đồng/kg. Giảm từ 1.500 – 2.000 đồng/kg.
|
Ở siêu thị gạo Bắc Hương có giá 110.000 đồng/túi 5 kg. Tức 220.000 đồng/yến.
|
Ở một siêu thị khác giá bán Bắc Hương Hải Hậu 118.000 đồng/túi 5 kg, tương đương với 23.600 đồng/kg – loại đã đóng túi sẵn. Cùng loại gạo này, nhưng bán cân lẻ là hơn 20.000 đồng/kg.
|