Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng đàn và sản lượng thịt gia súc trong quý I/2021 nhìn chung đều tăng. Riêng đàn lợn trong quý I giảm khoảng 2% so với cuối năm 2020, do nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2020, tổng đàn lợn vẫn tăng 11,6%.
Đối với gia cầm, ước tính trong quý I/2021, tổng đàn tương đương cuối năm 2020, với khoảng 510 triệu con. So với cùng kỳ năm 2020, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt khoảng 420.000 tấn, tăng 5,2%; sản lượng trứng gia cầm đạt 4,3 tỷ quả, tăng 3,5%.
Lấy giá bình quân của quý I/2021 so với quý IV/2020, giá các sản phẩm gia cầm có biến động khác biệt. Các nhóm gà thịt lông màu, gà giống siêu thịt và gà thịt đều tăng. Giá các sản phẩm vịt cũng đang nhích dần. Riêng giá các sản phẩm thuộc nhóm gia cầm cho trứng vẫn ở mức rất thấp và chưa có dấu hiệu tăng trở lại (dao động từ 1.200 – 1.500 đồng/quả).
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương nhận định: Giá các sản phẩm gia cầm đang có chiều hướng tăng và sẽ tăng cao nhất vào thời điểm tháng 5 – 7/2021. Nguyên nhân được ông Dương đưa ra là do nguồn cung thiếu, vì lượng con giống đưa vào chăn nuôi thương phẩm trong quý I/2021 của các loại gia cầm cho thịt giảm tới gần 50% só với quý IV/2020.
Cũng theo thống kê của các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, để bảo đảm nguồn cung trong nước, riêng trong năm 2020, được sự cho phép của Chính phủ, các doanh nghiệp đã nhập 447.600 con lợn sống để giết thịt, tương đương 44.800 tấn thịt. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn nhập 554.900 con trâu, bò, tương đương 194.200 tấn thịt, cùng với hơn 215.000 tấn thịt gà…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, chăn nuôi hiện nay đang đối diện nhiều thách thức lớn từ thiên tai, dịch bệnh. Tác động từ toàn cầu hoá về thị trường và hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới thông qua 15 hiệp định thương mại tự do. Đặc biệt là dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng ngày một lớn đến chuỗi cung ứng...
Nhiệm vụ trọng tâm đặt ra hiện nay là tiếp tục rà soát, đề xuất Chính phủ, các bộ ngành điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực chăn nuôi. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền về các hình thức chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các chuỗi liên kết trong chăn nuôi với vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp…