Giá giảm sâu, dịch bệnh bùng phát khiến người chăn nuôi lợn điêu đứng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thua lỗ nặng do giá giảm sâu, nhiều DN và người chăn nuôi lợn đứng bên bờ vực phá sản, kiệt quệ không đủ khả năng tái sản xuất, trong khi dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại. Nhiều địa phương bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu hụt thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

Giá lợn giảm sâu
Theo khảo sát ngày 21/10, giá lợn hơi cả 3 miền vẫn tiếp tục giảm sâu xuống mức 32.000 - 38.000 đồng/kg, giảm 60% so với đầu năm. Với mức giá lợn hiện nay, không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ kiệt quệ mà ngay cả những “ông lớn” trong ngành chăn nuôi cũng lao đao.
Tập đoàn Dabaco là một trong những DN chăn nuôi lợn với quy mô hàng đầu của cả nước. Mặc dù có hệ thống phân phối lợn hơi cho lò mổ và thịt thành phẩm cho các nhà phân phối bán lẻ, nhưng Dabaco cũng không tránh khỏi thua lỗ.
Ảnh minh họa
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So chia sẻ, với mức giá bán ra hiện nay, công ty đang phải chịu cảnh cứ mỗi con lợn bán ra lại lỗ 1 con. “Lúc giá thịt lợn lên cao, Chính phủ và các bộ ngành kêu gọi DN bình ổn phải hạ giá xuống thấp. Thế nhưng bây giờ giá lợn xuống thấp, DN đang thiệt hại song không thấy ai nói gì?” - ông Nguyễn Như So nêu quan điểm.
Cùng chung cảnh ngộ, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng - đơn vị chuyên giết mổ, chế biến thịt lợn cung ứng cho các chuỗi siêu thị trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, trung bình mỗi ngày Công ty đang lỗ vài chục triệu đồng. Theo ông Dũng, với tốc độ tiêu thụ như hiện nay thì phải đến 1 - 2 tháng nữa, khi số lợn quá lứa trong chuồng của người dân được tiêu thụ hết thì giá lợn mới nhích lên được.
Nói về nguyên nhân khiến giá lợn giảm sâu, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho biết, thời gian qua ngành chăn nuôi phải chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch Covid-19, nên giá lợn hơi giảm mạnh trong 3 - 4 tháng qua. Hiện tại, số lợn quá lứa nhưng chưa xuất được khoảng 8 triệu con, tương đương 30% tổng sản lượng.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, nguyên nhân giá lợn giảm sâu còn do sản lượng thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian qua. Cụ thể, thịt lợn nhập khẩu tăng 257.000 tấn trong 8 tháng đầu năm, trị giá đạt hơn 508 triệu USD, tăng 62% về lượng và tăng 84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đưa ra dự báo nhập khẩu thịt lợn đông lạnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do các nước xuất khẩu lớn đang dư thừa sản lượng và có giá rẻ hơn so với trước.
Dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh
Cùng với áp lực từ giá lợn giảm, hiện nay ngành chăn nuôi đang đối mặt với dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại. Tính đến tháng 10/2021, cả nước xảy ra 1.834 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 1.672 xã, 304 huyện thuộc 53 tỉnh thành. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 112.092 con, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020 với trọng lượng tiêu hủy ước tính trên 5.500 tấn.
Trong đó, một số địa phương có số lượng lợn nhiễm bệnh lớn như Nghệ An 20.196 con; Hà Tĩnh 15.048 con; Lạng Sơn 10.205 con… Hiện tại cả nước có 497 ổ dịch tại 149 huyện của 37 tỉnh, TP chưa qua 21 ngày, với tổng số lợn tiêu hủy là 40.719 con.
Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Đông cho rằng, nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại trong thời gian gần đây là do tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Việt Nam vẫn cao. Trong khi đó, thời gian qua các địa phương tập trung vào nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 nên việc phòng dịch cho vật nuôi bị lơi là. Việc đăng ký kê khai tái đàn từ cấp xã còn chậm, gây khó khăn trong quản lý. Ở một số địa phương, chính quyền còn chưa thực sự quan tâm xử lý những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch nên nguy cơ tái phát dịch là rất cao.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Trúc cho rằng, ngành chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn kép. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, người chăn nuôi sẽ càng kiệt quệ và số nông hộ, trang trại nuôi rời bỏ thị trường sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Ông Đoàn Xuân Trúc cũng chỉ ra hạn chế của ngành chăn nuôi, đó là công tác dự báo nguồn cung, cầu của ngành chăn nuôi lợn còn nhiều hạn chế, nên người nông dân dễ bị nhiễu loạn. Do đó, việc dự báo và kiểm đếm làm sao để có thể hài hòa được cung - cầu, tránh tình trạng những người chăn nuôi không biết mò ở đâu, phát triển đàn một cách ồ ạt đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa giống như năm 2017.
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế và DN chăn nuôi, để giữ vững thành quả của ngành chăn nuôi lợn, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ cùng các bộ, ngành. Trước tiên là ổn định lại thị trường, cân đối việc nhập khẩu thịt lợn. Tiếp đến là có các biện pháp giảm thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.