Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá hàng hóa ngày 23 Tết tăng không đáng kể

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/2 cũng là ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ, theo truyền thống, mỗi gia đình...

Kinhtedothi - Ngày 11/2 cũng là ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Ngọ, theo truyền thống, mỗi gia đình lại làm mâm cỗ cúng tiễn ông Táo về trời. Trong ngày này, nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu tăng cao, tuy nhiên, giá bán có tăng hay không lại tùy thuộc vào lượng hàng cung cấp nhiều hay ít.

Ghi nhận của phóng viên trong ngày 23 tháng Chạp năm nay cho thấy, giá bán nhiều loại hàng hóa trên thị trường Hà Nội tăng không đáng kể: Cá chép hồng, hoa quả tươi, bộ mã cho Táo Quân, chuối, thịt bò, thịt lợn, gà ta không tăng giá so với ngày hôm trước. Tại chợ Kim Liên, hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều giữ giá, chẳng hạn thịt lợn mông sấn, ba chỉ… có giá từ 75.000 - 90.000 đồng/kg; sườn: 100.000 - 120.000 đồng/kg: gà ta chưa làm từ 140.000 - 160.000 đồng/kg; tôm từ 170.000 - 250.000 đồng/kg tùy theo loại con to hay nhỏ… Nhiều nơi, trước ngày chính lễ, bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo đã được hạ giá 5.000 đồng/bộ xuống còn 30.000 - 35.000 đồng/bộ.
Người tiêu dùng chọn mua đồ cúng trên phố Hàng Mã.     Ảnh: Phạm Hùng
Người tiêu dùng chọn mua đồ cúng trên phố Hàng Mã. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, giá bán một số mặt hàng thực phẩm, hoa quả cũng đã tăng nhẹ. Thịt bò thăn tăng thêm 20.000 đồng/kg, được bán với giá 300.000 đồng/kg. Riêng mặt hàng chuối dành cho cúng lễ có giá bán tăng gấp 1,5 lần so với ngày hôm trước: Nếu như ngày 10/2, những nải chuối đẹp, quả đều và to có giá bán 2.000 đồng/quả, thì ngày 11/2 đã tăng lên 3.000 đồng/quả. Theo phong tục, để tiễn ông Táo về trời, các gia đình thường phóng sinh 3 con cá chép làm phương tiện “di chuyển” của ông Táo. Chính vì vậy mà sức tiêu thụ mặt hàng này trong ngày 23 Tết tăng mạnh đã kéo theo giá bán tăng theo. Ngày 10/2, giá bán một bộ cá chép hồng chỉ 45.000 đồng/bộ 3 con thì ngày 11/2 lên đến 90.000 - 100.000 đồng/bộ 3 con. Không chỉ giá bán cá chép tăng mà mặt hàng trầu cau cũng tăng gấp 3 lần ngày thường. Thông thường một cơi trầu cau đẹp có giá bán chỉ khoảng 3.000 – 4.000 đồng, nhưng ngày 11/2 có giá lên đến 10.000 đồng/cơi. Mặt hàng hoa quả cũng đã bắt đầu tăng giá từ 10.000 – 20.000 đồng/kg so với ngày thường, nhiều tiểu thương dự đoán từ nay đến 30 Tết, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này sẽ tăng mạnh nên giá cũng sẽ tăng.

Trước việc giá hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng đã có chiều hướng tăng, nhiều người tiêu dùng đặt “câu hỏi”: Vậy trong những ngày áp Tết sắp tới, giá cả hàng hóa có tăng đột biến và ngành công thương liệu có đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa? Trước thắc mắc này, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Thông thường, nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết sẽ tăng từ 15 - 18% so với các tháng bình thường, điều đó khiến giá mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà sẽ tăng nhẹ khoảng 5 - 10%. Để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, Sở Công Thương đã yêu cầu các DN cung ứng hàng hóa phải đẩy mạnh việc dự trữ hàng hóa, nhất là thực phẩm tươi sống. Với việc các DN tích cực dự trữ hàng hóa nên trong dịp Tết năm nay, mặt hàng thịt lợn, thịt bò sẽ tăng giá không đáng kể vì nguồn cung từ các trang trại chăn nuôi nhiều.