Thursday, 10:36 06/02/2014
Giá hàng hóa ổn định, giá dịch vụ đến hẹn lại tăng
Kinhtedothi - Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng hợp gửi Văn phòng Chính phủ về những diễn biến của thị trường trong dịp Tết vừa qua.
Báo cáo cho thấy, trên thị trường, nguồn cung về hàng hoá dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại với giá cả các nhóm hàng cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá. Theo nhận định của Bộ Tài chính, sức mua trên thị trường Tết Giáp Ngọ 2014 thấp hơn so với Tết Quý Tỵ 2013, tăng 15 - 20% so ngày thường tại các đô thị lớn, 10 - 15% tại nông thôn. Do ảnh hưởng tình hình kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cân nhắc trong chi tiêu, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu, sức mua tăng tập trung vào các ngày từ 23 - 30 tháng Chạp. "Những mặt hàng thiết yếu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán được các DN chuẩn bị khá đầy đủ để phục vụ cho Nhân dân mua sắm. Hàng hóa bán trên thị trường cơ bản được niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh được thị trường. Giá cả hàng hóa trong siêu thị ổn định", báo cáo khẳng định. Về tình hình giá cả thị trường, giá thực phẩm rau, củ, quả tương đối ổn định, nếu có tăng thì mức tăng cũng không quá cao. Nhiều loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn giá bình ổn và thấp hơn giá thị trường khoảng 5 - 10%. Thậm chí, nhiều siêu thị lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn thực hiện các chương trình giảm giá cho nhiều loại hàng hóa như: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, đồ dùng gia đình… Tuy nhiên, ở các chợ dân sinh trong phạm vi cả nước, lượng hàng hóa dồi dào nhưng giá vẫn tăng. Thị trường những ngày sau Tết, lượng hàng hóa vẫn nhiều, nhưng khối lượng người mua chưa đông, sức mua vẫn thấp. Hàng hóa được mua, bán chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như thủy sản, thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả. Báo cáo cũng chỉ rõ một số hàng hóa, dịch vụ giá tăng cao trong dịp này như: Trông giữ ô tô xe máy (tại các đền, chùa…) tăng từ 40 - 100%, dịch vụ ăn uống tăng 40% so ngày thường. Đây cũng là thực tế diễn ra trên thị trường Hà Nội những ngày qua. Tình trạng "chặt chém" khách hàng lại tái diễn. Nhiều quán bún, phở đã tăng giá từ 30.000 - 40.000 đồng/bát lên từ 50.000 - 80.000 đồng/bát. Trong đó, không ít hàng, quán tranh thủ thời điểm này, lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Quanh các điểm di tích, chùa chiền, khu vui chơi giải trí như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ..., hàng loạt các bãi trông xe tự phát mọc lên. Giá trông giữ xe phổ biến ở mức 20.000 đồng/xe máy, 100.000 đồng/xe ôtô. Đáng lưu ý, có nhiều bãi trông giữ xe do đội trật tự hoặc đoàn thanh niên các phường tổ chức nhưng vẫn thu vượt giá quy định. Trong khi đó tại các quán cà phê, quán nước nơi tập trung nhiều người đến gặp gỡ, giao lưu, giá nhiều loại đồ uống cũng đã tăng hơn so với ngày thường. Cà phê nâu từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/cốc, trà chanh từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/cốc... Chính vì thế, người dân đã quen dần với việc hỏi giá trước để tránh bị "chặt chém".