Giá heo hơi giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá heo hơi từ đầu năm 2023 đến nay vẫn trong xu hướng giảm kéo dài khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ. Thậm chí họ buộc phải “treo chuồng” nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục ở mức cao và giá heo không tăng.

Càng nuôi càng lỗ

Khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, giá heo hơi ngày hôm nay (23/3) tại thị trường miền Bắc đang giao dịch ở mức 48.000 - 51.000 đồng/kg. Trong đó, 48.000 đồng/kg là mức thu mua heo hơi thấp nhất khu vực và đang neo tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình.

Các hợp tác xã hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ đang rơi vào cảnh thua lỗ. Ảnh minh họa
Các hợp tác xã hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ đang rơi vào cảnh thua lỗ. Ảnh minh họa

Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá heo hơi đang được thu mua quanh mức 48.000 - 50.000 đồng/kg. Giá heo hơi ở toàn miền Nam giao dịch quanh ngưỡng 49.000 - 52.000 đồng/kg.

Với mức giá này, người chăn nuôi đang thua lỗ, nhất là đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, hợp tác xã.

Hộ bà Đồng Thị Ngư, ở xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) chia sẻ, giá thành đầu vào dao động 58.000 - 62.000 đồng/kg, trong khi đó giá heo hơi từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay vẫn trong xu hướng giảm kéo dài khiến người chăn nuôi chật vật.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ 30 - 40% và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến người chăn nuôi thêm phần chật vật. Với mức giá heo hơi hiện tại, mỗi con lợn thịt bán ra lỗ tới 1 triệu đồng. Sắp tới, nếu giá lợn không tăng thì người chăn nuôi không thể duy trì sản xuất.

Chăn nuôi heo tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng
Chăn nuôi heo tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng

Cùng chung cảnh ngộ thua lỗ, Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) đang nuôi 300 con heo, mỗi tháng cung cấp cho thị trường hơn 30 tấn thịt, 4 - 7 tấn giò, chả, xúc xích. Tuy nhiên, với giá heo hơi được thương lái báo những ngày qua xuống mức 51.000 đồng/kg, hợp tác xã càng bán càng lỗ.

Giám đốc hợp tác xã Nguyễn Đình Tường cho hay, để giảm thiểu thua lỗ, hợp tác xã phải kết hợp bán buôn cho thương lái và giao thịt heo lẻ cho các điểm nhà hàng, quán ăn, sạp chợ. Nhưng hơn 2 năm qua, giá heo hơi biến động mạnh, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, hợp tác xã buộc phải lên kế hoạch thu hẹp đàn vì mất vốn.

Theo phản ánh của nhiều chủ trang trại, hợp tác xã nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt heo giảm mạnh do khó khăn kinh tế, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể giảm do nhiều công ty cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng.

Còn theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Dương Tất Thắng, không riêng ở Việt Nam, mà giá heo hơi tại các nước cũng giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn Việt Nam. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, giá heo hơi hồi tháng 10/2022 là 87.000 đồng/kg, hiện nay còn 55.000 - 58.000 đồng/kg.

Ở những nước xuất khẩu thịt heo hàng đầu thế giới như Mỹ, Brazil… giá heo hơi cũng giảm rất mạnh từ 45.000 đồng/kg xuống còn 34.500 đồng/kg.

Sức tiêu thụ thịt heo sẽ tăng trong quý II/2023?

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, phải sang đến quý II/2023, nền kinh tế mới phục hồi dần, thu nhập của người lao động được cải thiện trở lại, giúp sức tiêu thụ thịt heo tăng lên.

Tín hiệu khả quan là hiện nay Việt Nam đã có vaccine phòng bệnh Dịch tả heo châu Phi nên rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi heo cũng giảm đi. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thế giới đang có xu hướng giảm, nên giá thức ăn trong nước cũng sẽ giảm nhưng ở mức độ trễ hơn.

 

Hiện nay, tổng đàn heo thịt của cả nước khoảng 26 triệu con.

Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7 - 7,5 triệu tấn, tăng từ 5 - 5,5% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng thịt heo hơi đạt trên 4,5 triệu tấn, tăng 4%; sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn, tăng 4,8% so với năm 2022.

Các chuyên gia cũng dự báo, trong quý II/2023, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm, từng bước tháo gỡ khó khăn cho hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi heo nói riêng. Hiện nay, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%.

Khuyến nghị về giải pháp ổn định chăn nuôi, nguồn cung – cầu thịt heo trong nước, TS Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, các trang trại, hợp tác xã cần liên kết với DN chăn nuôi theo chuỗi khép kín, hình thành chuỗi chăn nuôi hoàn chỉnh cung cấp ra thị trường.

Đặc biệt, cần tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp để giảm giá thành sản xuất; đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, ưu tiên đầu tư sơ chế, chế biến sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên để từng bước giảm phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; hỗ trợ DN các thủ tục xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra nước ngoài.

Về lâu dài, để nâng cao năng lực cạnh tranh, người chăn nuôi cần liên kết, đầu tư sản xuất cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng cần thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường.

Đối với các địa phương cần tăng cường quản lý giá bán sản phẩm đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Song song đó, xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu khiến giá giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi.