Trước hết, sự thay đổi của cấu trúc tuổi sẽ làm thay đổi trực tiếp đến tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động, bộ phận chủ yếu của lực lượng lao động.
Do tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm cùng với tuổi thọ tăng, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là ở khu vực thành thị cả về số lượng cũng như tỷ trọng trong dân số.
Theo phân loại mà Ủy ban Kinh tế và xã hội Khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Liên Hợp quốc (UNESCAP) sử dụng, khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% đến 9,9% tổng dân số thì dân số được coi là “già hóa”. Tương tự, 10% đến 19,9% gọi là dân số “già”; 20% đến 29,9% gọi là dân số “rất già” và từ 30% trở lên gọi là dân số “siêu già”.
Một số báo cáo sử dụng tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên để phân loại. Dân số được coi là “già hóa” khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% dân số; tương ứng cho “già”, “rất già” và “siêu già” là từ 20%, 30% và 35%. Luật Người cao tuổi Việt Nam năm 2009 qui định, người cao tuổi là những người từ đủ 60 tuổi trở lên (quốc tế thường qui định từ 65 tuổi trở lên) nên chúng ta sẽ sử dụng tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên để phân loại mức độ già hóa dân số.
Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên của cả nước chiếm 8,68% dân số, đến Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, con số này đã tăng lên 11,86%. Như vậy, dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa” từ trước năm 2019 (khoảng năm 2014).
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tốc độ gia tăng của tỷ trọng dân số 60 tuổi trở lên của dân số Việt Nam ngày một nhanh. Nếu như trong 10 năm từ 1999 đến 2009, tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên chỉ tăng được 0,58 điểm phần trăm (từ 8,10% lên 8,68%), trong 10 năm tiếp theo (2009 - 2019), tỷ trọng này đã tăng 3,18 điểm phần trăm (từ 8,68% lên 11,86%).
Theo dự báo dân số gần nhất của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dựa trên kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, tỷ trọng dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng lên 16,53% năm 2029; 20,67% năm 2039; 24,88% năm 2049; 27,01% năm 2059 và tới 27,11% năm 2069 (xem Biểu 1). Theo dự báo này, sau giai đoạn “già hóa” dân số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn “già” vào khoảng cuối năm 2037 đầu năm 2038. Như vậy, thời gian để dân số Việt Nam quá độ từ giai đoạn “già hóa” sang “già” là khoảng 23 năm. Đây là khoảng thời gian khá ngắn nếu như so sánh với nước có thời gian quá độ từ giai đoạn “già hóa” sang “già” của Pháp là 115 năm (1865 - 1980), Thụy Điển - 85 năm (1890 - 1975), Canada - 65 năm (1944 - 2009), Anh - 45 năm (1930 - 1975), Nhật Bản 26 năm (1970 - 1996), Trung Quốc - 26 năm (2000 - 2026). Các nhà nhân khẩu học dự đoán thời gian quá độ từ giai đoạn “già hóa” sang “già” của Thái Lan là thấp hơn một chút so với Việt Nam, khoảng 22 năm (2003 - 2025).
Già hóa dân số dẫn đến số người cao tuổi tăng rất nhanh. Nếu như tại thời điểm 1/4/2009 tổng số người cao tuổi (tổng số người từ 60 tuổi trở lên) là 7,45 triệu người (chiếm 6.68% dân số), thì sau 10 năm, đến thời điểm 1/4/2019, số người cao tuổi đã tăng lên 11,41 triệu người (chiếm 11,86% dân số), bình quân mỗi năm tăng 395 nghìn người.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê (phương án trung bình), đến năm 2029 số người cao tuổi Việt Nam sẽ đạt 17,28 triệu người (chiếm 16,53% dân số, tăng 5,87 triệu người so với 10 năm trước đó (2019), bình quân mỗi năm tăng 587 nghìn người. Cũng theo dự báo này, đến năm 2039, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ là 22,799 triệu người (chiếm 20,57% dân số), năm 2949 sẽ đạt 28,610 triệu người (chiếm 24,88% dân số). Việc tăng nhanh số lượng cũng như tỷ trọng người cao tuổi không chỉ nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tăng tuổi thọ mà phần lớn là do giảm tỷ lệ sinh trong dân số.
Cũng giống như việc gia tăng số lượng dân số, dân số già hóa cũng gây ra nhiều thách thức cho tăng trưởng kinh tế cũng như hạ tầng cơ sở và các dịch vụ an sinh xã hội, đặc biệt là ở các khu đô thị.
Già hóa dân số gây ra hậu quả cơ bản là thiếu lao động bổ sung cho tương lai. Một trong nhũng nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số là do mức sinh ngày càng giảm dẫn đến số trẻ em ngày càng ít đi và kết quả là, trong tương lai, lực lượng lao động, những người làm ra của cải vật chất cho xã hội sẽ bị thiếu hụt. Già hóa dân số dẫn đến nhu cầu an sinh xã hội ngày càng tăng ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi. Nhiều người cao tuổi có khả năng và mong muốn làm việc sau độ tuổi hưu nên xã hội cần trao cơ hội hoạt động kinh tế phù hợp cho người cao tuổi.
Nguy cơ khuyết tật và bệnh tật luôn gia tăng theo độ tuổi. Tuổi càng tăng thì tỷ lệ người cao tuổi có sức khỏe yếu càng cao, số bệnh mắc phải càng lớn và thời gian nằm bệnh càng dài. Điều này đòi hỏi phải chăm sóc người cao tuổi nhiều hơn. Sự hỗ trợ người cao tuổi ngày càng khó khăn, nhất là ở khu vực thành thị. Sự gia tăng nhanh chóng số người cao tuổi đặt gánh nặng lên vai các thành viên trẻ tuổi trong gia đình gây tình trạng căng thẳng có thể dẫn đến tình trạng ngược đãi người cao tuổi.
Già hóa dân số dẫn đến tình trạng số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm, cùng với mức độ sinh giảm dẫn đến nguy cơ suy giảm dân số.
Già hóa dân số là một lĩnh vực cần sự quan tâm sâu sát của các nhà hoạch định chính sách. Chăm sóc đời sống người cao tuổi cả về vật chất lẫn tinh thần luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Cần xây dựng khung pháp lý và chính sách để bảo vệ quyền của các cá nhân khi về già, trao quyền và giúp người cao tuổi hòa nhập xã hội trong các môi trường phát triển, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình, cơ hội việc làm và đảm bảo tài chính.
Cần phát triển hệ thống chăm sóc toàn diện bao gồm cả chăm sóc tập trung và chăm sóc cộng đồng. Chú trọng đến các nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương, yếu thế như người cao tuổi là dân tộc thiểu số, người cao tuổi khuyết tật, người cao tuổi là nạn nhân bạo lực gia đình.
Cần hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng về vấn đề già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi cũng như truyền thông cho công chúng về vấn đề già hóa thông qua cách tiếp cận theo vòng đời mang tính chuyển đổi về giới.
Tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc người cao tuổi.