Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Già hóa dân số: Nguy cơ “chưa giàu đã già”

Bài, ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số cũng rất nhanh. Vì thế, để ứng phó với già hóa dân số có hai vấn đề quan trọng được đặt ra là tạo việc làm và hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi (NCT).

Nhiều thách thức

Ngày 14/4, tại hội thảo "Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số" - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh thông tin, trong thị trường lao động, tỷ lệ dân số có việc làm nước ta luôn ở mức cao và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp. Tuy vậy, Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng đồng thời với xu hướng già hóa dân số diễn ra rất nhanh.
 Bộ LĐTB&XH xây dựng Đề án Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số giai đoạn 2021 - 2030. 
Theo dự báo, thời kỳ dân số vàng của Việt Nam kéo dài khoảng 33 năm, sẽ kết thúc vào năm 2039, nghĩa là chỉ còn 19 năm. Cùng với đó, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già khoảng 26 năm – đây là khoảng thời gian chuyển đổi rất ngắn so với những quốc gia có trình độ sản xuất cao, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Đặc biệt, xu hướng già hóa dân số nhanh trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, đã và đang tạo ra nguy cơ rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già” nếu chúng ta không tận dụng cơ hội dân số vàng và có các biện pháp thích ứng hiệu quả đối với già hóa dân số.

Có hai vấn đề được đặt ra cho Việt Nam trong thời gian tới. Thứ nhất, thời gian cho phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng không còn nhiều trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chất lượng việc làm chưa cao. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt 24,5%. Thứ hai, tốc độ già hóa dân số nhanh trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước, hệ thống an sinh xã hội còn hạn chế.
Hiện nay, mới có 33,2% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); khoảng 45,5% NCT được hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng. Hệ thống chăm sóc NCT chưa đầy đủ cả về số lượng và chất lượng làm gia tăng gánh nặng an sinh xã hội cho ngân sách Nhà nước và đặt ra nhiều thách thức.

Tạo việc làm cho người nghỉ hưu

Để giải quyết hai vấn đề trên, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng dự thảo đề án Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Đề án đặt ra mục tiêu, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% năm 2025 và 75% năm 2030; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 28 – 30% năm 2025 và 35% - 40% năm 2030. Đồng thời, tăng cường giá đỡ của Nhà nước bảo đảm thu nhập cho lao động sau khi nghỉ hưu hoặc hết tuổi lao động: Người được hưởng lương hưu từ BHXH và trợ cấp hưu trí xã hội là 55% năm 2025 và 60% năm 2030. Giảm tuổi đủ điều kiện nhận trợ cấp xã hội cho NCT xuống còn 75 tuổi vào năm 2025 và 65 tuổi đối với một số dân tộc. Đồng thời, tạo việc làm phù hợp và thu nhập thỏa đáng cho NCT có nhu cầu làm việc.

Đồng tình với việc xây dựng đề án của Bộ LĐTB&XH, đại diện các bộ, ngành, chuyên gia lao động cho biết, Việt Nam đã thích ứng với già hóa dân số bằng cách nâng tuổi nghỉ hưu, đáp ứng nguy cơ thiếu hụt lao động. Để phát huy lợi thế dân số vàng, rất nhiều người lao động trong độ tuổi sẵn sàng làm việc, đưa tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn các nước. “Hiện nay, năng suất lao động còn thấp, chính là điểm nhấn. Chúng ta cần phải giải quyết bằng cách nâng cao năng suất, chất lượng lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đó” – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp gợi ý. Trong khi đó, bà Nguyễn Nguyệt Nga – chuyên gia Ngân hàng Thế giới đưa ra giải pháp tăng năng suất lao động không chỉ bằng đào tạo mà thực hiện chuyển dịch lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang chỗ năng suất cao.

Các chuyên gia lao động cũng khuyến khích lao động trẻ tham gia BHXH để sau này nghỉ chế độ có mức lương hưu đủ sống. Những lao động trẻ có thu nhập cao, ổn định, ngay từ bây giờ hãy tiết kiệm chi tiêu, để dành tiền sử dụng cho cuộc sống khi về già.