Gia Lâm - nhiều mô hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội viên Trần Văn Bình, Hội cựu chiến binh (CCB) xã Kiêu Kỵ thuê thầu 10 ha đất để trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cam Vinh và cam đường Canh.

Để sản xuất bền vững, đầu năm 2015, ông Bình đã vận động 38 hộ làm vườn vào tổ hợp tác nhằm tạo sự hỗ trợ và nâng cao tính cộng đồng trách nhiệm trong phát triển sản xuất. Bước đầu, các thành viên đã đóng góp trên 100 triệu đồng làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng. Đồng thời, cùng tham gia giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap trên toàn bộ diện tích của các thành viên, không để xảy ra tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, vỏ bao bì thuốc trừ sâu theo đó cũng được để đúng nơi quy định góp phần làm sạch đồng ruộng. Nhờ sản xuất an toàn, sản phẩm đạt chất lượng cao được thị trường tin dùng nên mỗi năm gia đình ông Bình có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ các hội viên hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện về kinh nghiệm, KHKT, giống và nguồn vốn ban đầu để cùng làm giàu chính đáng.
Lãnh đạo Hội cựu chiến binh TP và huyện thăm mô hình trồng cam đường Canh của ông Chu Văn Miền ở xã Kim Sơn.
Lãnh đạo Hội cựu chiến binh TP và huyện thăm mô hình trồng cam đường Canh của ông Chu Văn Miền ở xã Kim Sơn.
Hội CCB huyện Gia Lâm hiện có 26 cơ sở Hội với 7.240 hội viên. Trong số này có 4.533 hội viên có chế độ lương hưu và phụ cấp, số còn lại thu nhập chủ yếu từ nghề nông nên có không ít gia đình CCB nghèo và cận nghèo. Việc giúp hội viên tăng thu nhập làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững được các cấp Hội CCB trong huyện lấy làm hoạt động mũi nhọn. Với sự giúp đỡ của tổ chức Hội, đã có 1.480 hội viên được vay 26.325 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Quỹ nội bộ giành cho hội viên vay phát triển kinh tế của các cơ sở đạt 2.678 triệu đồng. Từ sự trợ giúp của Hội cộng với nỗ lực vượt khó vươn lên của hội viên, tới nay có nhiều hội viên phát triển kinh tế theo mô hình công ty, DN, HTX, tổ hợp tác và kinh tế trang trại. Nhờ đó, tạo việc làm cho 1.219 lao động là CCB, con cháu hội viên CCB và đối tượng chính sách, xã hội, góp phần giúp 50/56 hộ hội viên thoát nghèo,.

Ông Nguyễn Văn Lợi - hội viên Hội CCB xã Phù Đổng chia sẻ, sau khi xuất ngũ đời sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm vượt khó để làm giàu chính đáng, ông đã mạnh dạn thành lập HTX 27/7 tại địa phương với số vốn đầu tư 2,8 tỷ đồng. Mỗi năm, HTX tạo việc làm cho từ 70 đến 80 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Trong số này có hàng chục hộ nghèo, cận nghèo trong xã nhờ được tạo việc làm đã thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.

Tại xã Kim Sơn, có nhiều hội viên CCB với mô hình phát triển kinh tế tốt như ông Chu Văn Miền thuê thầu 0,9 ha đất xấu ven mương để trồng cam và mít Thái Lan tạo việc làm thời vụ với mức thu nhập 5 triệu đồng/tháng cho từ 10 đến 15 lao động. Ông Nguyễn Xuân Dịu, ông Nguyễn Viết Khang lại đầu tư phát triển mô hình trang trại lợn theo hình thức khép kín chủ động từ con giống, đến thức ăn, đảm bảo mỗi năm nuôi trên dưới 600 con lợn, tạo việc làm cho gần chục lao động với thu nhập 6 triệu đồng/tháng...

Đại diện Hội CCB huyện Gia Lâm cho biết, được sự quan tâm, giúp đỡ của tổ chức Hội và các cấp, các ngành, hàng ngàn hội viên CCB huyện Gia Lâm đã sáng tạo, linh hoạt trong phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện địa phương. Hội viên CCB không chỉ làm giàu chính đáng cho bản thân mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội, đồng thời có đóng góp đáng kể trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đó chính là bản lĩnh, phẩm chất của “Anh bộ đội Cụ Hồ” dám nghĩ, dám làm không ngại khó, ngại khổ vươn lên làm giàu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần