Gia Lâm sẵn sàng đón vận hội mới

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/9, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm và 16 phường thuộc quận. Đây là bước tiến quan trọng, mở ra vận hội mới cho khu vực cửa ngõ phía Đông của Thủ đô.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, sau khi trở thành quận, cùng với các nguồn lực của T.Ư và TP, địa phương sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để Gia Lâm phát triển toàn diện với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh, bền vững; tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh, nhất là giao thông, công nghệ thông tin.

Trung tâm hành chính huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết
Trung tâm hành chính huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết

Phát triển kinh tế theo hướng đô thị

Theo nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Gia Lâm đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 do UBND TP Hà Nội phê duyệt, quận Gia Lâm sẽ là khu vực phát triển mới của đô thị trung tâm; là đô thị cửa ngõ phía Đông Bắc của Hà Nội, nơi tập trung các công trình đầu mối giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy) và hạ tầng kỹ thuật của quốc gia và TP.

Quận cũng sẽ là trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông Hà Nội; có các trung tâm đào tạo dịch vụ y tế cấp vùng; các trung tâm thương mại tài chính; hành lang xanh của TP dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống. Do đó, trong những năm tới, Gia Lâm sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực mới như: dịch vụ kho vận (logistics), chợ đầu mối, cảng cạn... Quận cũng đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng.

Bên cạnh đó, quận tập trung khai thác hiệu quả các cụm công nghiệp, cụm sản xuất làng nghề. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Tập trung phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, truyền thống, có uy tín trên thị trường; chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có giá trị gia tăng lớn. Tăng cường hợp tác, liên kết, nắm bắt cơ hội, thúc đẩy các ngành nghề kinh tế phát triển.

Khai thác thế mạnh văn hóa

Gia Lâm là nơi có mật độ di tích dày đặc, trong đó phải kể đến các di tích liên quan đến Đức Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), Chử Đồng Tử, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan… và nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan; dát vàng Kiêu Kỵ, thuốc bắc Ninh Hiệp…

Cùng với đó, cảnh quan ven sông Hồng, sông Đuống cũng là lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, đền Phù Đổng thờ Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” của người Việt là Di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm (cùng với Lễ hội Gióng ở đền Sóc, huyện Sóc Sơn) được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…

Từ thế mạnh đó, Gia Lâm sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác phát triển du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập. Phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa theo hướng sinh thái; kết hợp chặt chẽ giữa làng nghề truyền thống với phát triển dịch vụ du lịch, phát huy giá trị nền “văn minh sông Hồng”. Quận sẽ tập trung xây dựng ngành du lịch có cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, khác biệt, có chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Gia Lâm hiện đã có nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh: Hoàng Quyết
Gia Lâm hiện đã có nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại. Ảnh: Hoàng Quyết

Quận cũng xác định mục tiêu đưa văn hóa trở thành nguồn lực phát triển mới, xứng tầm với truyền thống ngàn năm Thăng Long - Hà Nội; góp phần xây dựng Thủ đô là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ

Trở thành quận của Thủ đô, Gia Lâm sẽ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh, theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trong đó, quận khai thác phát triển lĩnh vực nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số; xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hội nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đặc biệt, quận sẽ tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước hiện đại gắn với bảo vệ môi trường; tiếp tục nâng cao các chỉ tiêu về chất lượng môi trường trong giai đoạn tiếp theo, giải quyết kịp thời các vấn đề về rác thải, khí thải, tập trung xử lý, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường trong khu dân cư.

Xây dựng chính quyền đô thị hiện đại

Cùng với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Gia Lâm tiếp tục thực hiện các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn; xây dựng mô hình chính quyền đô thị hiện đại; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. Quận sẽ đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới, có tầm nhìn chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đổi mới công tác dân vận, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là hoạt động giám sát, phản biện xã hội; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng, ý chí tự lực, tự cường của Nhân dân.

Với một lộ trình đã được cân nhắc kỹ lưỡng, quận Gia Lâm khi thành lập sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế và là cơ hội thuận lợi để địa phương bứt phá, phát triển bền vững, trở thành đô thị văn minh, hiện đại của Thủ đô.

 

Theo dự kiến, quận Gia Lâm khi thành lập sẽ giữ nguyên diện tích tự nhiên 116,64km2, quy mô dân số hơn 300.000 người. Quận có 16 phường trực thuộc, bao gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.