Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia Lâm sẵn sàng trước ngày lấy ý kiến thành lập quận

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/8, huyện Gia Lâm sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn tất.

Người dân Gia Lâm đang háo hức chờ đón được thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình lên lá phiếu.

Háo hức trước “giờ G”

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày 27/8, thời điểm huyện Gia Lâm lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận. Những ngày này, trên khắp các thôn, làng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm, một không khí háo hức, rộn ràng lan tỏa mạnh mẽ. Đi tới đâu mọi người cũng nói chuyện với nhau về việc Gia Lâm chuẩn bị thành quận, xã/thị trấn chuẩn bị thành phường.

Trang trí cổ động tại trụ sở UBND xã Dương Quang, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết
Trang trí cổ động tại trụ sở UBND xã Dương Quang, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết

Đường sá tưng bừng băng rôn, khẩu hiệu; trên khắp các trang mạng xã hội, Zalo, Facebook của UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn huyện và nhiều cán bộ, người dân đều treo khung hình thể hiện mong muốn Gia Lâm trở thành quận, xã/thị trấn nơi họ sinh sống trở thành phường.

Anh Mai Văn Suất, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm cho biết, suốt mấy tuần nay, các thôn trong xã đều tuyên truyền rầm rộ về việc huyện Gia Lâm trở thành quận, xã Dương Quang trở thành phường. Đi đâu cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu, loa phát thanh phát liên tục trong ngày, anh Suất cũng cảm thấy háo hức.

Anh cho biết, huyện thành quận, xã thành phường sẽ có nhiều lợi thế phát triển; điện, đường, trường, trạm được đầu tư tốt hơn, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Qua thăm dò tại các hộ trong xã, anh thấy người dân đều rất đồng tình; bản thân anh Suất cũng nhất trí với chủ trương thành lập quận, chỉ chờ ngày ghi vào phiếu lấy ý kiến.

 

Theo báo cáo tổng hợp từ các xã, thị trấn, tính đến ngày 18/8/2023, huyện Gia Lâm có tổng số 74.141 hộ, 191.551 cử tri; tổng số khu vực lấy ý kiến là 166 khu vực tại các xã, thị trấn trên địa bàn.
Trưởng phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết

Không chỉ riêng anh Suất, nhiều người dân ở huyện Gia Lâm khi được hỏi về việc thành lập quận đều có cùng ý kiến như thế. Anh Nguyễn Mạnh Hòa, Phó Chủ nhiệm CLB Làng nghề Gốm sứ Giang Cao – Bát Tràng, xã Bát Tràng cho biết, anh vui mừng và nhất trí với chủ trương của TP về việc xây dựng huyện Gia Lâm thành quận, xã Bát Tràng thành phường. Bởi khi thành phường, những làng nghề truyền thống như Bát Tràng sẽ được quan tâm đầu tư hơn nữa, góp phần vào sự phát triển của Thủ đô và có thêm nhiều cơ hội vươn xa. Anh Lê Thanh Cao, một người trồng hoa giấy ở thôn Phù Đổng 1, xã Phù Đổng cũng phấn khởi cho biết, anh hoàn toàn đồng ý với việc Gia Lâm trở thành quận, xã Phù Đổng trở thành phường.

Sẵn sàng cho ngày hội lớn

Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Trần Trung Tuyết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận đã cơ bản hoàn tất. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền theo kế hoạch của UBND huyện được thực hiện rất tích cực, hiệu quả.

Theo đó, công tác tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh của huyện, đài truyền thanh cơ sở được phát huy tối đa; tuyên truyền trực quan tại các khu vực trung tâm của huyện và cơ sở được thực hiện hiệu quả. Trong đó, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm đã xây dựng và tổ chức tuyên truyền hàng trăm tin, bài trên hệ thống phát thanh, Cổng thông tin điện tử của huyện và trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook.

Trên địa bàn huyện đã treo 15 bảng tuyên truyền tấm lớn (420m2); 60 pano nhỏ (170m2); 20 cụm hồng kỳ; 1.750 cờ Đảng, cờ Tổ quốc… Bên cạnh đó, tuyên truyền cổ động trên các tuyến đường từ ngày 21/8 đến hết 27/8/2023; tổ chức thi đấu các môn thể thao người cao tuổi ngày 25 và 26/8/2023 để cổ động cho việc lấy ý kiến.

Trang trí tại khu vực trung tâm hành chính huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết
Trang trí tại khu vực trung tâm hành chính huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết

Tại các xã, thị trấn, 100% các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm. 100% xã, thị trấn đã hoàn thành công tác trang trí trực quan phục vụ nhiệm vụ xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận; các xã, thị trấn thành phường, bao gồm: 22 bảng tuyên truyền tấm lớn tại các khu vực trung tâm của các xã, thị trấn; 44 pano tấm nhỏ tại trụ sở UBND xã, thị trấn; 164 khẩu hiệu tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; 328 pano tấm nhỏ tại nhà văn hóa thôn, tổ dân phố… Đến nay, các xã, thị trấn đã triển khai thực hiện xong mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri.

Chuẩn bị cho thời điểm lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận (27/8), tinh thần của cán bộ và Nhân dân huyện Gia Lâm rất phấn khởi. Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh cho biết, tính đến ngày 24/8, xã Dương Xá có 3.620 hộ, 9.180 cử tri, xã đã thành lập 8 tổ lấy ý kiến tại 8 thôn trên địa bàn. “Bắt đầu từ 7 giờ ngày 27/8, các tổ sẽ đồng loạt đến từng hộ để lấy ý kiến người dân, phấn đấu xong trước 17 giờ cùng ngày” – ông Vịnh nói.

Tại xã Đặng Xá, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Nam cho biết, tính đến ngày 24/8, xã Đặng Xá có 4.640 hộ, 10.923 cử tri, xã đã thành lập 18 tổ lấy ý kiến cử tri tại 17 thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Hiện tại, xã đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác lấy ý kiến, tổng hợp kết quả, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ đề ra.

Tại các xã Yên Viên, Phù Đổng, Bát Tràng, công tác chuẩn bị lấy ý kiến cử tri về Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận đã sẵn sàng. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: “Đúng 7 giờ ngày 27/8, các tổ lấy ý kiến sẽ đồng loạt ra quân, phấn đấu xong trước thời gian quy định. Hiện tại, tinh thần Nhân dân rất phấn khởi”.

Từ nay đến ngày thực hiện lấy ý kiến cử tri (27/8), UBND huyện Gia Lâm đề nghị các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung cử tri khi có biến động theo quy định; thống nhất cách làm bảo đảm đúng quy trình, quy định và phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc trong quá trình thực hiện quy trình lấy ý kiến cử tri.

 


Theo Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, TP Hà Nội, quận Gia Lâm được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên (116,64km2) và quy mô dân số của huyện Gia Lâm hiện có (khoảng 310.000 dân).

Quận Gia Lâm có 16 phường được thành lập trên cơ sở 22 xã, thị trấn. Trong đó, có 6 phường được thành lập trên cơ sở nguyên trạng, gồm: Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Cổ Bi, Yên Thường, Ninh Hiệp; 4 phường được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính, gồm: Trâu Quỳ, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Xá; 6 phường được thành lập trên cơ sở hợp nhất, gồm: phường Bát Tràng (hợp nhất xã Đông Dư và xã Bát Tràng), phường Kim Đức (hợp nhất xã Kim Lan và xã Văn Đức), phường Phú Sơn (hợp nhất xã Kim Sơn và xã Phú Thị), phường Thiên Đức (hợp nhất xã Dương Hà và xã Đình Xuyên), phường Phù Đổng (hợp nhất xã Phù Đổng và xã Trung Mầu), phường Yên Viên (hợp nhất xã Yên Viên và Thị trấn Yên Viên).