Huyện ủy đã ban hành kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án 21 ngày 16/9/2019 của Thành ủy "về sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, TDP" và Quyết định 5241 ngày 19/9/2019 của UBND TP "về ban hành đề án tiếp tục kiện toàn thôn, TDP trên địa bàn TP". Trưởng Phòng Nội vụ huyện Trần Trung Tuyết cho hay, qua rà soát, đối chiếu quy định và xét các yếu tố đặc thù, huyện sẽ thực hiện kiện toàn 17 thôn, TDP thuộc 7 xã, thị trấn trước ngày 5/11/2019; giảm từ 192 còn 183 thôn, TDP. Sau khi hoàn thành Đại hội Đảng bộ xã, thị trấn, sẽ bắt đầu thực hiện với 175 thôn, TDP còn lại, từ đó trong năm sau giảm còn 155 thôn, TDP. Đồng thời trong quý I/2020, sẽ sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm các chức danh với 17 thôn, TDP vừa sáp nhập. Ngay khi có chủ trương của Bộ Nội vụ và TP, từ huyện đến xã, thị trấn đã bắt đầu công tác tư tưởng, tuyên truyền bằng hình thức phong phú. Đến nay về cơ bản được các cán bộ cơ sở, người dân đồng thuận.
Tuy nhiên, trao đổi với Kinh tế&Đô thị, Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ Nguyễn Bá Hoán chia sẻ: Trên địa bàn có TDP Kiên Trung (143 hộ) sẽ sáp nhập với TDP Kiên Thành (510 hộ); từ 2 - 3 tháng trước, thị trấn đã yêu cầu đảng ủy viên phụ trách các chi bộ, TDP và các đoàn thể vào cuộc tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa của sáp nhập là nhằm tinh giản bộ máy. 2 TDP này cũng vừa tổ chức họp dân phổ biến phương án sáp nhập cụ thể. Kết quả tổ Kiên Thành có 100% và Kiên Trung có 75% người dân nhất trí. Theo ông Hoán, sở dĩ một số người dân Kiên Trung chưa đồng thuận vì còn băn khoăn 2 tổ nằm hai bên Quốc lộ 5 (ngăn cách bởi đường Nguyễn Đức Thuận), muốn đi sang nhau thì phải qua đường vòng mất thêm 2km. Do đó, thị trấn kiến nghị UBND huyện sớm thực hiện đầu tư công trình giao thông khớp nối phục vụ nhu cầu đi lại giữa 2 TDP để đảm bảo an toàn giao thông. Hơn nữa, e ngại lớn của người dân là sẽ phải thay đổi hàng loạt giấy tờ như Chứng minh Nhân dân, hộ khẩu, "sổ đỏ", giấy phép đăng ký kinh doanh… trong đó người dân Kiên Trung phải điều chỉnh tên TDP mới là Kiên Thành. Vì vậy, người dân mong muốn ngành công an huyện và các cơ quan chuyên môn của huyện, xã giải quyết thuận lợi nhất khi làm thủ tục đính chính các giấy tờ cá nhân sau khi sáp nhập, nhất là miễn phí cho người dân TDP Kiên Trung.
Cùng với đó, ông Trần Trung Tuyết đề xuất, tới đây địa bàn nhiều thôn, TDP rộng và đông hộ dân hơn, thậm chí gấp 2 - 3 lần hiện nay, TP cần có cơ chế để tùy địa bàn và ngân sách địa phương, các huyện có thể chi bồi dưỡng thêm cho các tổ trưởng TDP, trưởng thôn. Thực hiện nhiệm vụ, họ vẫn phải trực tiếp đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động, trong khi không còn phó trưởng thôn, phó tổ trưởng TDP hỗ trợ như trước (khoảng 80 thôn, TDP sẽ không còn chức danh này, trong đó rất nhiều thôn có gần 450 hộ và TDP gần 600 hộ - mức tối thiểu để được bố trí chức danh này). Cũng theo ông Tuyết, trong Nghị quyết 08 của HĐND TP vừa ban hành, các trưởng thôn, phó trưởng thôn, tổ trưởng, phó tổ trưởng TDP… khi nghỉ công tác không được hưởng chế độ. TP cần nghiên cứu có khoản chi này để động viên cán bộ cơ sở, giúp địa phương thực hiện tốt sắp xếp cho họ nghỉ hoặc làm việc khác.