Kết thúc phiên 11/7, thị trường đóng cửa với việc các chỉ số lao dốc. VN-Index giảm 16,02 điểm (1,37%) xuống 1.155,29 điểm, HNX-Index giảm 0,87 điểm (0,31%) về 276,93 điểm, UPCoM-Index giảm 0,71 điểm (0,82%) còn 86,25 điểm.
Hàng loạt ông lớn DN gây áp lực lên thị trường. TCB là mã giảm sâu nhất, khi kết phiên mất 5,2% thị giá, kế đó là TPB (-4,1%), VPB (-3,8%), POW (-3,8%), VRE (-3,7%)...
Tuy nhiên, trong phiên này, cổ phiếu nông nghiệp lại trở thành điểm sáng dù có những diễn biến trái chiều. MSN của Masan nằm trong nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực lên thị trường với việc giảm 2,29%, về mốc 102.500 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay mã cổ phiếu này đã giảm gần 26% giá trị.
Tương tự như MSN, cổ phiếu nông nghiệp LTG cũng giảm đáng kể. Chốt phiên 12/7, LTG giảm 1,71% về mốc 34.500 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mã này mà một trong những mã hiếm hoi giảm rất ít từ đầu năm đến nay, với mức giảm chỉ hơn 3,3% giá trị.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu DBC của Tập đoàn Dabaco Việt Nam lại chốt phiên trong sắc tím khi tăng tới 6,91% lên mốc 26.300 đồng/cổ phiếu. Toàn phiên có gần 8 triệu cổ phiếu được giao dịch với lượng dư mua tới cuối phiên còn hơn 50.000 cổ phiếu. Tương tự như MSN, tính từ đầu năm đến nay DBC cũng đã giảm mạnh, với mức giảm hơn 24,4%.
Có thể thấy dù phiên giao dịch diễn biến trái chiều nhưng nhìn chung các mã cổ phiếu nông nghiệp đang giao dịch khá tích cực so với các nhóm ngành khác trên thị trường. Nguyên nhân là do giá lợn tăng mạnh khiến cho kỳ vọng kinh doanh của doanh nghiệp rất khả quan. Điều này đã nhanh chóng phản ánh vào thị giá cổ phiếu trên thị trường.
Đơn cử như Dabaco, kết thúc quý đầu năm ghi nhận doanh thu tăng hơn 13% lên 2.806 tỷ đồng. Dù vậy, với việc giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm 60% xuống 254 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 8,6 tỷ đồng, bằng 2,3% cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất tính từ quý 2/2019 của công ty. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đây vẫn là DN lớn trong mảng chăn nuôi lợn, với hệ thống trang trại lớn trải dài ở các tỉnh phía Bắc, cung ứng hàng vạn lợn giống thương phẩm mỗi năm.
Hay như với MSN, giá lợn tăng cũng tác động tích cực tới tình hình kinh doanh của Masan MEATLife- MML (công ty thuộc hệ sinh thái của Masan). Thực tế, điều này công ty đã sớm dự báo. Ghi nhận tại giải trình kết quả kinh doanh quý 1/2022, ban lãnh đạo MML đánh giá diễn biến thịt lợn đã tiến vào vùng ổn định trong quý 1, và kỳ vọng tăng vào cuối năm do tác động của lạm phát. DN đặt mục tiêu cải thiện biên EBITDA, mở rộng mảng kinh doanh qua phát triển nguồn cung bền vững, nâng cao công suất sử dụng, đưa sản phẩm vào hệ thống WinCommerce và đa dạng hóa danh mục thịt chế biến.
Còn với Tập đoàn Lộc Trời (LTG), báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy, trong quý I/2022, doanh thu thuần của Lộc Trời chỉ đạt 2.345 tỷ đồng, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Do doanh thu giảm, lợi nhuận gộp của công ty chỉ còn 552 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đáng nói, trong cơ cấu doanh thu, mảng lương thực và thuốc bảo vệ thực vật có sự hoán đổi vị trí. Lương thực tăng gấp đôi so với cùng kỳ và chiếm 50% tổng doanh thu của công ty, vươn lên vị trí thứ nhất về mức độ đóng góp doanh thu.