Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá nhà đất tại TP Hồ Chí Minh lại nóng: Nhờ bóng “ông lớn”?

Việt Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơn sốt giá đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tưởng chừng như đã lắng xuống, bất ngờ lại được thổi bùng lên một cách bất thường.

Lần này, "điểm nóng" tập trung ở khu Đông và nguyên cớ được xác định là... “tát nước theo mưa” nhờ các dự án lớn.
Thị trường đang trầm lắng

Đã thành thông lệ, thời điểm cuối năm cũng là dịp các chủ đầu tư cấp tập bung hàng, "đánh lớn một trận cuối" trước khi nghỉ Tết. Thế nhưng, trái ngược với thông lệ đó, giai đoạn cuối năm 2018 theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, số lượng các dự án được tung ra thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như Novaland, nếu như năm 2015 đại gia này tung ra thị trường 12 dự án, thì năm 2016 chỉ có 5 dự án và đến thời điểm này năm 2018, Novaland mới chỉ tung ra thị trường… duy nhất một dự án căn hộ.
 Hàng loạt điểm tư vấn mua bán đất mọc lên. Ảnh: Việt Tâm
Trong khi đó, từ đầu năm 2018 đến nay, Hưng Thịnh Corp cũng chỉ mới tung ra thị trường duy nhất một dự án căn hộ tại quận 7 là Q7 Riverside và một dự án nhà phố tại Đồng Nai có tên Biên Hòa Newcity. Phúc Khang từ đầu năm đến nay cũng chỉ mới giới thiệu ra thị trường duy nhất một dự án tại quận 2…

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh, năm 2018, thị trường BĐS có dấu hiệu giảm cung khá rõ nét. Cụ thể, tính đến tháng 10/2018, tổng nguồn cung giảm đến 44,5%. Trong đó, phân khúc cao cấp giảm 25,9%, trung cấp giảm 32,6%, bình dân sụt giảm mạnh nhất 69,7%.

Báo cáo nghiên cứu thị trường của DKRA Việt Nam cũng cho thấy, trong quý III/2018 thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh chỉ có 18 dự án được mở bán, cung cấp ra thị trường 7.152 căn hộ, bằng 79% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ ước khoảng 83% (5.915 căn hộ).

Ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, thị trường đang có dấu hiệu suy giảm khá sâu cả về cung và cầu. Nguyên nhân chính có lẽ xuất phát từ việc các chủ đầu tư đang điều chỉnh kế hoạch bán hàng, cùng với đó là sự quản lý chặt chẽ của cơ quan Nhà nước trong việc cấp phép thủ tục pháp lý. “Với những diễn biến như hiện nay, khả năng thị trường sẽ còn tiếp tục trầm lắng. Giai đoạn chững lại này có thể kéo dài đến hết năm 2018…” - ông Lâm nhận định.

Thận trọng khi quyết định đầu tư

Trong bối cảnh chung của thị trường là “suy giảm” thì tại khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh, giá nhà đất… vẫn tăng phi mã. Sau những động thái quyết liệt từ UBND TP Hồ Chí Minh, cơn sốt giá đất trên địa bàn TP (mà chủ yếu tập trung tại quận 2, quận 9 và Thủ Đức) tưởng chừng như đã lắng xuống, bất ngờ lại được thổi bùng lên một cách bất thường. Lần này, "điểm nóng" tập trung ở quận 9 và nguyên cớ được xác định là... "tát nước theo mưa" nhờ các dự án lớn, mà cụ thể là dự án VinCity Grand Park của Tập đoàn Vingroup.

Theo khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, "nhờ bóng ông lớn" VinCity Grand Park, giá đất tại những khu vực xa "tít mù khơi" thuộc quận 9 đang được... thổi lên nhanh chóng. Tại hàng loạt dự án “phân lô sổ đỏ” tọa lạc trên các tuyến đường xung quanh dự án này, giá nhà đất đang tăng lên chóng mặt. Anh Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc một công ty môi giới BĐS (xin được giấu tên công ty) tại quận 9 cho biết, cách đây chừng 5 tháng, anh mua một lô đất có diện tích 100m2 trên đường Phước Thiện (đối diện dự án VinCity Grand Park) với giá chỉ hơn 1,5 tỷ đồng và mới đây đã chuyển nhượng lại với giá... gần 9 tỷ đồng. Tại một số dự án phân lô bám theo các tuyến đường như đường Nguyễn Xiển, đường Lò Lu, khu vực Tam Đa... giá đất cũng đang tăng nhanh chóng. Đất nền tại các khu vực này hiện đang được giao dịch với giá từ khoảng 40 - 55 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Những dự án phân lô bán nền trong các hẻm nhỏ thì giá rẻ hơn, với khoảng từ 25 - 30 triệu đồng/m2. “Điểm nóng” của toàn khu vực này là dự án khu nhà ở dịch vụ y tế Symbio Garden (đối diện Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh - cơ sở 2) với giá đất đang được giao dịch lên đến 80 triệu đồng/m2.

Một nhân viên môi giới BĐS tại đây cho biết, do xung quanh Bệnh viện Ung bướu (cơ sở 2) chỉ có dự án Symbio Garden nổi bật nhất và lại do một DN uy tín làm chủ đầu tư, nên nhiều người đã về đây mua đất với mục đích sau này mở nhà thuốc, phòng khám… kinh doanh. "Dự án mang giá trị thương mại rất cao, đáp ứng nhu cầu đầu tư của nhiều người nên giá đất được đẩy lên cao cũng là điều dễ hiểu" - anh này nhận xét.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, thị trường BĐS TP Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Trong đó, phân khúc nhà phố - biệt thự và căn hộ cao cấp đang gặp khó khăn về tiêu thụ. “Giá nhà đất đã tăng khá cao, lượng tồn kho lớn cùng với đó là những chính sách nhằm hạn chế tín dụng BĐS trong khi lãi suất tăng mạnh tiếp tục sẽ là những lực cản của thị trường" - ông Hiển nhấn mạnh. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang có dấu hiệu suy giảm và sẽ còn suy giảm trong một thời đoạn nữa, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, đặc biệt là đối với những người có mong muốn đầu tư ngắn hạn, với mục đích “sàng qua sàng lại” để kiếm lời...

Còn theo anh Lê Đăng Thiện - một nhà đầu tư tài chính tại TP Hồ Chí Minh, lượng người ở các tỉnh chuyển đến TP Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc ngày càng đông, nhưng đa phần là người trẻ và mưu sinh kiếm sống khó khăn. Người đi làm ổn định, kiếm tiền lương hàng tháng 10 triệu đồng trở lên khá khiêm tốn. Nếu không có sự hỗ trợ từ phía gia đình, thì việc vay ngân hàng khi mua nhà là khá nhiều rủi ro... "Nhà đất, căn hộ có thể bán hết, nhưng người mua thực ở thì chắc chắn là rất ít, không lý tưởng như một số bài báo viết, hay những lời đầy "ngôn tình và mơ mộng" ở những bài tiếp thị của các môi giới BĐS phủ sóng khắp facebook. Bởi vậy, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng kẻo... ôm "bom" - anh Thiện nhận định.