Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam làm trưởng đoàn vừa tiến hành kiểm tra tình hình sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nhân dịp này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm về nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp (TNT).
Xin ông cho biết mục tiêu của đợt kiểm tra tình hình sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại Hà Nội?
Đợt kiểm tra này không mang tính chất tìm kiếm, xử lý sai phạm. Tới đây, các văn bản pháp lý quy định về phát triển nhà ở, khu đô thị mới sẽ được đồng bộ để đảm bảo tất cả các dự án phải dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở để xây dựng nhà ở xã hội. Việc công bố quyết định kiểm tra của Ban chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tại Hà Nội, sắp tới sẽ công bố tại TP Hồ Chí Minh, là những bước đi ban đầu để đảm bảo việc thực hiện các văn bản pháp luật, pháp quy của Nhà nước được nghiêm minh. Qua kiểm tra, trên cơ sở quỹ đất có được, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch phân chia cho từng chủng loại nhà ở xã hội như nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân, nhà ở thu nhập thấp, nhà tái định cư, để có kế hoạch cụ thể từng năm, 5 năm, cho từng giai đoạn; để lo nguồn lực cũng như phân công trách nhiệm cho chính quyền trung ương, chính quyền thành phố, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, nhằm thực hiện cho tốt một chính sách nhân đạo và tốt đẹp của Chính phủ
- Dư luận cho rằng giá nhà TNT còn "khó với", vậy có cách nào để làm tăng thêm cơ hội mua nhà cho người có TNT?
Về quy định, Nhà nước đã hỗ trợ những gì có thể trong điều kiện hiện nay như không thu tiền đất, giảm thuế, cho vay một phần từ Ngân hàng Phát triển, nâng hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng… Tuy nhiên, vẫn có dư địa để giảm giá thành thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế mẫu, áp dụng công nghệ, vật liệu tiên tiến, kết hợp với sự kiểm tra, thẩm định chặt chẽ hơn nữa của chính quyền địa phương. Mặt khác, chúng ta phải tạo điều kiện cho người có TNT, ở đây hiểu là người có thu nhập trung bình trong xã hội có thể thanh toán được tiền mua nhà, tạo nguồn vốn để cho những đối tượng này vay thêm. Về phương thức thanh toán, có thể thêm hình thức thuê mua, trả trong vòng 10 - 20 năm với khoản đặt cọc đầu tiên khoảng 20% giá trị nhà. Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về đề án lập quỹ tiết kiệm nhà ở. Quỹ này được quản lý bởi một hội đồng gồm các cơ quan liên ngành và chính quyền địa phương, quỹ không mang tính chất lợi nhuận, không kinh doanh sang các lĩnh vực khác mà chỉ cho các đối tượng có nhu cầu mua nhà TNT vay, hay cho doanh nghiệp vay để tạo ra sản phẩm nhà ở TNT. Bộ đang tiếp tục khảo sát các mô hình quỹ tiết kiệm nhà ở đã thành công ở Trung Quốc, Hàn Quốc.
- Theo đánh giá của Thứ trưởng, giá nhà TNT ở Hà Nội hiện có quá cao hay không?
Nói giá nhà cao hay thấp cần phải lưu ý là so với chuẩn nào. Nếu so với thu nhập của người làm công ăn lương hiện nay thì phải nói là cao. Chính vì thế con đường phát triển nhà TNT cũng không phải là con đường duy nhất, chúng ta còn phát triển loại hình nhà ở cho thuê để cho những người không đủ tiền mua nhà TNT. Hiện nay, tại một số dự án người dân có phàn nàn là giá nhà cao, đây là những dự án phát triển nhà TNT theo con đường nhà ở thương mại có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo con đường này, tiền đền bù giải phóng mặt bằng là doanh nghiệp phải bỏ ra, mà giải phóng mặt bằng hiện nay là theo cơ chế thị trường, theo giá thị trường. Vật liệu xây dựng cũng phải mua theo giá thị trường... Vì thế giá nhà không thể thấp như mong muốn. Một số địa phương như Đà Nẵng, Huế, Thanh Hóa, giá nhà TNT chỉ khoảng 6 triệu đồng/m2 do đất đai của những khu vực này thường rẻ và chính quyền địa phương giao những khu đất tại nội thành đã có hạ tầng nên chi phí thấp. Còn ở Hà Nội, giá nhà TNT trên dưới 10 triệu đồng/m2 là hợp lý.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!