Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá sắt, thép xây dựng sẽ chưa hạ nhiệt

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông thường, những tháng đầu năm không phải là mùa xây dựng nên sắt thép sẽ không có biến động tăng giá. Tuy nhiên năm 2021, thị trường đã đi trái quy luật khi từ đầu năm đến nay giá mặt hàng này liên tục tăng.

Giá tăng chóng mặt
Chuẩn bị xây dựng nhà ở, anh Nguyễn Văn Hưng, ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng đã đi khảo sát các mặt hàng vật liệu xây dựng và nhận được thông báo giá sắt thép liên tục tăng so với thời điểm cuối năm 2020. “Cách đây một tuần, tôi hỏi một vài cửa hàng để mua thép thì được báo giá 14,5 triệu đồng/tấn nhưng chỉ vài ngày sau khi đến đặt tiền thì giá đã lên gần 16 triệu đồng/tấn” - anh Hưng nói.

Chủ cửa hàng kinh doanh sắt, thép Bẩy Lan ở 293 đường La Thành cho biết: Hiện sắt thép xây dựng không khan hiếm, song giá cả lại tăng đến 45% so với tháng 12/2020. “Hiện giá sắt xây dựng đã lên đến hơn 16 triệu đồng/tấn, chưa có thuế VAT và chiết khấu bán hàng, trong khi những tháng cuối năm 2020 giá chỉ khoảng 12 - 13 triệu đồng/tấn” - chủ cửa hàng thông tin.
 Sản xuất sắt xây dựng tại nhà máy thép Thái Nguyên. Ảnh: Hoài Nam
Khảo sát thị trường giá bán sắt thép xây dựng ngày 5/5, nhãn hiệu Hòa Phát với thép cuộn CB240 là 16.800 đồng/kg; thép D10 CB300 đang ở mức 17.000 đồng/kg. Tương tự, 2 sản phẩm thép Việt Đức là thép cuộn CB240 có giá là 16.800 đồng/kg và thép D10 CB300 hiện ở mức 16.700 đồng/kg. Thương hiệu thép Việt Ý cũng tăng mức giá bán với sản phẩm thép cuộn CB240 đang ở mức 16.950 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 16.900 đồng/kg. Những ngày cuối tháng 4, Công ty thép Thái Nguyên đã thông báo đến khách hàng việc tăng giá bán thép cuộn và thép cây thêm 600.000 đồng/tấn, hiện thép cuộn Thái Nguyên CB240 là 16.950 đồng/kg, thép D10 CB300 ở mức giá 16.900 đồng/kg. Thương hiệu thép cuộn CB240 thương hiệu Mỹ đang có giá 16.200 đồng/kg, còn thép thanh vằn D10 CB300 đang ở mức giá 16.220 đồng/kg.

Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, từ quý IV/2020 đến nay, thép xây dựng nhiều lần tăng giá. Hiện mức giá thép trên địa bàn TP Hà Nội dao động từ 14 - 16 triệu đồng/tấn tùy loại, tăng khoảng 1,3 triệu đồng/tấn so với mức giá quý IV/2020.

Vì đâu tăng nóng?

Vậy lý do nào đã khiến giá thép tại thị trường nội địa tăng "chóng mặt" trong thời gian qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt? Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân tác động đến giá bán thép như tình hình thương mại căng thẳng giữa các nước trên thế giới, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại. Những nguyên nhân này đã kéo giá phôi thép đầu tháng 4/2021 ở mức 633 USD/tấn, tăng khoảng 30 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 3/2021 và tăng khoảng hơn 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020. Giá thép cuộn cán nóng đầu tháng 4/2021 ở mức 795 USD/tấn, tăng 85 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 3/2021 và đã qua mức chào giá 700 USD/tấn vào đầu tháng 12/2020.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Nguyễn Ngọc Thành cho biết: Hiện giữa Australia và Trung Quốc đang căng thẳng về quan hệ thương mại 2 chiều làm giới hạn lượng nguyên liệu thô từ Australia xuất sang Trung Quốc, nơi cung cấp sản lượng thép lớn nhất toàn cầu. Hơn nữa, nhằm bảo vệ môi trường, Trung Quốc đang cắt giảm sản lượng thép thành phẩm lẫn phôi thép, thép cán nóng. Đây là nguyên nhân khiến giá thép tăng.

Trong khi đó, theo báo cáo Triển vọng ngành thép của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BSC) cho thấy: Nhu cầu thép của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 2,2% trong năm 2021 nhờ động lực đến từ đầu tư hạ tầng và sản xuất ô tô. Từ đầu tháng 1/2021, Trung Quốc cho phép hoạt động nhập khẩu thép phế được tái khởi động, nhằm đảm bảo nguyên liệu cho các lò điện (EAF). "Tỷ trọng sản lượng thép sản xuất theo công nghệ EAF năm 2021 dự kiến sẽ tăng lên 15,2% so với 14,5% năm 2020. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại tăng cao càng đẩy giá thép tăng phi mã" - báo cáo của BSC nêu rõ.

Phân tích nguyên nhân giá thép trong nước liên tục tăng trong thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa cho biết: Các yếu tố tác động đến giá thép xây dựng trong nước chủ yếu đến từ việc giá nguyên liệu tăng mạnh so với đầu năm. Tháng 3, giá thép phế nội địa tiếp tục tăng nhẹ từ 300 đồng/kg, giữ mức 8.850 - 9.100 đồng/kg. Giá thép phế nhập khẩu ở mức 438 USD/tấn. Giá phôi nhập khẩu cũng tăng ở mức 17 USD/tấn, đạt 606 - 608 USD/tấn. “Lượng phôi thép được sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị phần, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Nhưng hiện Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu phôi để điều chỉnh tăng giá, điều này khiến các nước nhập khẩu trong đó có Việt Nam bị động về nguyên liệu. Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn cho các lò điện” - ông Đa phân tích.

Vẫn sẽ tăng?

Các chuyên gia ngành thép dự báo, nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng từ 3 - 5% so với năm 2020. Động lực tăng đến từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc - Nam; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; Sân bay quốc tế Long Thành. Ngoài ra thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ "nóng" trở lại trong năm nay. Hơn nữa, một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… được thực thi kỳ vọng có thêm thị trường xuất khẩu mới. Nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm sẽ càng đẩy giá thép tăng cao thời gian tới.

Theo Phó Tổng giám đốc BSC Lê Quang Huy: Giá thép trong đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2021, nhất là thép cuộn cán nóng đã vượt đỉnh 10 năm, đặc biệt là giá tại Mỹ và EU. "Với xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 nên giá thép sẽ còn tiếp tục tăng từ nay đến hết quý III và có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới” - ông Huy dự báo. Đồng tình với dự báo này, Phó Chủ tịch VSA Hồ Nghĩa Dũng nêu rõ: Thị trường thép cuộn cán nóng thế giới biến động mạnh khiến thị trường thép cuộn cán nóng trong nước khó khăn do các DN sản xuất thép dẹt như tôn mạ, ống thép... sử dụng loại thép này làm nguyên liệu sản xuất, điều này khiến giá bán sản phẩm có thể sẽ tiếp tục tăng thêm để bù đắp giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Thừa nhận tình trạng nhiều nước đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để vực dậy kinh tế, khắc phục suy thoái hậu Covid-19 nhưng TS Trần Đình Thiên cho biết: Không phải chỉ trong một thời gian ngắn mà các quốc gia có thể ồ ạt đầu tư xây dựng đến nỗi khan hiếm thép dẫn đến tăng giá nhanh chóng như hiện nay. Giá thép Việt Nam tăng mạnh chủ yếu do thiếu cân đối trong vấn đề sản xuất, đối ứng cung - cầu thép của Việt Nam.

Mặc dù năng lực sản xuất thép xây dựng của Việt Nam đạt 14 - 15 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu chỉ 10,5 triệu tấn, năng lực sản xuất của ngành thép hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng vấn đề là nguyên liệu sản xuất phụ thuộc nhập khẩu trong khi thị trường thế giới đang có chiều hướng tăng giá, vì vậy rất có thể thị trường sắt thép xây dựng sẽ tăng giá hết quý III/2021 và lập mặt bằng giá mới.
"Về năng lực nguồn cung trong nước đang thừa nhưng thực tế cung ứng lại khác vì dịch Covid-19 đã khiến nhiều nhà máy đóng cửa trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất. Với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập mặt bằng giá mới nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu." - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa