Gia tài vô giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ai đó đã nói rằng, chỉ có những trải nghiệm, va vấp trong cuộc sống mới chỉ cho người ta thấy mình đang có gì, cần trân trọng điều gì. Với chị cũng vậy.

Những ngày này, sau tai nạn giao thông, nằm trên giường bệnh, ngày nào mở mắt ra chị cũng chỉ thấy có mình với mẹ chồng, người mà hàng ngày chị vẫn thầm gọi là đồ nhà quê, coi như người giúp việc. Bà đút cho chị từng thìa cháo, bà thay quần áo, bà nâng chị lên, chăm chút cho chị từng giấc ngủ, chị mới thấy tình cảm của bà dành cho mình đáng quý biết chừng nào. Nhìn bà, chị thật lòng cảm thấy ân hận về cách đối xử của mình. Chị càng thấm những điều một người bạn đã nói “phải biết trân trọng những thứ mình đang có trong tầm tay, đừng mơ tưởng những thứ quá xa vời để rồi lại chuốc thêm nỗi bi quan. Dẫu đời sống vật chất có khó khăn đến đâu, cũng không nên để những toan tính thực dụng chi phối lí trí, làm cằn cỗi tình cảm”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Từ khi yêu chồng chị bây giờ, chị đã biết gia đình anh ở quê rất nghèo. Bố anh mất đã lâu, mẹ một mình nuôi anh ăn học, nhưng chị không nghĩ cuộc sống lại khó khăn đến vậy. Khi anh chị cưới nhau, để thoát khỏi cảnh thuê nhà, anh tìm mua một căn nhà nhỏ ở tít trong ngõ sâu, nhưng không đủ tiền. Chị đành chấp nhận một cách là mẹ chồng chị bán nhà cửa ở quê và lên ở với vợ chồng chị. Dù vẫn biết là nhờ bà, anh chị mới có nhà riêng, nhưng chị vẫn không sao xóa được cảm giác mình thiệt thòi, kém may mắn hơn bạn bè. Mấy người bạn thân của chị, đứa được sống trong ngôi nhà mặt đường khang trang, trị giá hàng tỷ đồng, đứa được nhà chồng đầu tư vốn liếng mở cửa hàng kinh doanh... Còn chị thì phải tự làm mà nuôi mình, nuôi mẹ chồng và sống trong một căn nhà nhỏ ở tít tận ngõ sâu.

Rồi do công việc, anh liên tục phải đi công tác xa, chị ngày ngày phải sống với bà, một người cổ hủ và quê kệch. Dù không nói ra, nhưng trong lòng chị luôn có sự khó chịu mỗi khi phải tiếp xúc, nói chuyện với bà. Mọi việc trong nhà từ cơm nước, giặt giũ, lau dọn nhà cửa bà đều đảm đương hết, chị đi làm về chỉ việc ăn cơm, ngồi chơi và đi ngủ. Nhưng chị lại không lấy thế làm vui mà coi như việc đương nhiên bà phải làm vì chị còn phải kiếm tiền. Hơn thế nữa, chị luôn tìm cớ để xả ra những bực tức của mình với bà. Mùa hè, mỗi khi đi làm về, bước vào nhà thấy nóng quá, lại thấy mẹ chồng đang lúi húi với cái bếp than ngay ở cửa, chị bóng gió: “Bây giờ chắc chỉ còn nơi này dùng bếp than thôi”. Hoặc mỗi khi bà giặt quần áo mà chưa được sạch, chị lại làu bàu: “Làm như thế này thì làm làm gì cho ngứa mắt”... Những lúc như thế, bà không nói gì chỉ thở dài. Những lúc vắng chồng, mọi bực dọc trong người, chị đều nhè mẹ chồng mà trút. Nhiều khi cũng thấy mình thật quá đáng, nhưng chị lại tự biện minh, ai bảo bà nghèo quá, nếu không anh chị đã chẳng phải gian nan, cơ cực như thế này. Những suy nghĩ đó cứ lớn dần và vô hình trở thành bức tường đồ sộ giữa chị và mẹ chồng. Nên dù bà có bao dung thế nào, có cởi mở, thân tình đến đâu, cái cảm giác khó chịu trong chị vẫn không thôi.

Chỉ đến giờ, khi chị phải nằm liệt giường cả mấy tháng trời, anh vì công việc không thể ở nhà chăm chị được, chỉ có bà đang ngày ngày ân cần như vốn có. Tĩnh tâm nghĩ lại, chị mới thấy bà là người đã cho chị rất nhiều mà chị không biết cách đón nhận. Cái mà bà cho chị không phải là vật chất mà là một điểm tựa vững chắc của người mẹ với đứa con nhỏ bé. Chị đang có cả một gia tài vô giá trong tầm tay mà lúc nào cũng nghĩ mình nghèo.

Phải khó khăn lắm chị mới đủ can đảm để nói với bà lời xin lỗi, chị sợ bà sẽ quở trách nhiều. Nhưng không, bà nắm lấy tay chị cười: “Mẹ cũng đã từng làm dâu, nên mẹ hiểu cảm giác của con. Vì gia đình mình còn khó khăn quá, nên con phải cực nhọc, sao tránh được sự cáu giận. Mẹ không trách con đâu, mẹ sẽ cố gắng để giúp đỡ phần nào vất vả cho các con, chỉ mong các con hạnh phúc là mẹ mừng...”. Nghe mẹ nói, chị chỉ biết khóc và thầm cảm ơn bà đã tha thứ cho chị, cho chị thấy những điều trân quý ở đời. Bây giờ chị thấy mình thật may mắn…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần