Có nguyên nhân do giá dịch vụ y tế, giáo dục tăng
Tại cuộc họp báo công bố chỉ số CPI tháng 3 và quý I do Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tổ chức sáng 24/3, bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 2 nhóm tăng, đó là thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 24,34%; giáo dục tăng 0,66%.
Trong khi đó, có tới 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm: Giao thông giảm 3,64%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,54%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,48%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,23%; may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,17%; bưu chính viễn thông giảm 0,1%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,1%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,01%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,01%. Bà Vũ Thị Thu Thủy phân tích, theo quy luật tiêu dùng, CPI tháng 3 hàng năm thường có xu hướng giảm do nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm. Tuy nhiên, CPI tháng 3 năm nay tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục tăng. Cụ thể, giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, theo đó, giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế tăng 32,9%, góp phần làm cho CPI tăng 1,27%.Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 68/2015/NĐ-CP từ ngày 2/10/2015, một số tỉnh, thành trực thuộc T.Ư đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,66%.
Song cũng có một số yếu tố làm giảm CPI, do sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của người dân đã giảm, giá các mặt hàng trở về mặt bằng trước Tết Nguyên đán; giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 18/2/2016; giá gas giảm 3,59%. Tổng quan thị trường và giá cả quý I, bà Vũ Thị Thu Thủy cho biết, CPI quý I tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước, đang ở mức thấp, góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra và yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp. Tuy nhiên, từ nay đến hết năm, giá dịch vụ y tế còn một đợt điều chỉnh vào tháng 7, giá dịch vụ giáo dục cũng điều chỉnh vào tháng 9. Do đó, chỉ số CPI tháng 12 năm nay sẽ có mức tăng khá cao, nhiều khả năng vượt mức 5%.
Cảnh báo những áp lực bất lợi lên lạm phát
Đại diện Tổng cục Thống kê khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón… khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Cùng với đó, Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
Từ thực tế trong quý I, CPI cũng được cảnh báo từ hai chiều. Chiều thứ nhất nếu CPI tiếp tục thấp sẽ tác động tiêu cực đối với tỷ suất lợi nhuận của người sản xuất kinh doanh vốn đã thấp hơn cả lãi suất vay ngân hàng. Trong khi nợ xấu còn cao, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu còn gặp khó khăn, số DN ngừng hoạt động, giải thể lớn và tiếp tục tăng.
Ở chiều thứ hai, chưa thể lơi là, chủ quan với lạm phát, bởi còn có những yếu tố làm tăng lạm phát. Tín dụng được định hướng tăng cao hơn năm trước, trong khi dư nợ tín dụng đã cao hơn GDP; tốc độ tăng huy động năm trước đã thấp hơn tốc độ tăng dư nợ tín dụng; nợ xấu chưa được giải quyết triệt để; tỷ giá tăng cao để ứng phó với sự mất giá của đồng Nhân dân tệ và các nước là đối tác thương mại lớn; bội chi ngân sách còn lớn và tăng lên; nợ công đã vượt trần; Giá nhập khẩu, nhất là xăng dầu tăng; việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ được hãm trong năm 2015 sẽ thực hiện trong năm 2016 với số loại, liều lượng cao hơn, dồn dập hơn... Và quan trọng là sự cộng hưởng của các yếu tố trên.
Giá dịch vụ y tế làm tăng CPI trong quý I. Ảnh: Hải Linh
|