Nguồn cung ổn định Ngoài nguyên nhân thời tiết tiếp tục chuyển sang mùa Hè khiến nhu cầu đối với một số hàng hóa, dịch vụ như đồ uống, điện, nước sạch sinh hoạt, dịch vụ du lịch,... tăng mạnh, còn có nguyên nhân giá một vài mặt hàng thiết yếu tiếp tục xu hướng tăng giá.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 ghi nhận mức tăng 0,33% và dự báo cũng sẽ tiếp tục đà tăng trong tháng 5. Tuy nhiên, với những nỗ lực bình ổn thị trường, nhiều nhận định cho rằng, mức tăng CPI sẽ không cao. Thực tế ghi nhận từ đầu tháng 5 đến nay, cân đối cung - cầu của đa số các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trên thị trường trong nước tiếp tục được giữ vững. Việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng. Mặc dù hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 180.000ha lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại nhưng bù lại, diện tích lúa vụ Thu Đông tới ở khu vực này sẽ tăng thêm 200.000ha nên cả nước sẽ không lo thiếu gạo xuất khẩu. Thậm chí, theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dù hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại lớn đến diện tích lúa Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng nếu các địa phương thực hiện đúng kế hoạch của Bộ NN&PTNT thì tổng sản lượng lúa sẽ không thấp hơn nhiều so với các năm trước. DN cũng không lo thiếu gạo để xuất khẩu. Dự báo trong thời gian tới, nguồn cung gạo thế giới tiếp tục tăng, trong khi một số nước đang tạm hoãn kế hoạch nhập khẩu như Indonesia, Philippines nên giá gạo thế giới có khả năng ổn định. Vừa qua, những biến động cá chết ở một số tỉnh miền Trung khiến dư luận lo lắng nguồn cung của thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, theo dự báo của Cục Quản lý giá, trong thời gian tới, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định do thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào. Những áp lực tăng giá Ngày 5/5 vừa qua, giá xăng, dầu đã tăng, cụ thể xăng RON 92 đã tăng 646 đồng/lít lên mức tối đa 15.586 đồng/lít; giá các mặt hàng thép tăng từ 8 - 10%; giá gas tăng 10.000 đồng/bình 12kg… cũng là những yếu tố được nhận định sẽ gây áp lực đáng kể lên mặt bằng giá tháng 5 khi tác động đến các ngành hàng khác. Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), dự báo giá xăng, giá gas bán lẻ vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới đây trên thị trường thế giới. Trong khi giá nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi trong nước có thể sẽ tăng trong tháng 5 này do nhu cầu mua vào ngô và khô đậu tương đang ở mức cao, trong khi giá thế giới tăng mạnh. Thị trường thép được dự báo tiếp tục biến động do nhu cầu tăng khi mùa xây dựng đến. Giá phân bón có thể phục hồi do nhu cầu phân bón tăng phục vụ việc chăm bón vụ Hè Thu … Dựa trên những phân tích của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại và kết hợp tính toán của phần mềm dự báo, dự báo CPI tháng 5/2016 sẽ tăng khoảng 0,26% so với tháng trước.
Giá gas tăng, một trong những yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá tháng 5. Ảnh: Duy Anh |