Nhiều ca mắc sởi ở người lớn do chủ quan
Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai cho thấy, thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh nhiệt đới tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi ở người lớn. Trong đó, bệnh nhân nam N.V.A. (38 tuổi, Thanh Hóa) bị sốt nóng liên tục 5 ngày, đau họng, viêm đường hô hấp trên. Sau 3 ngày, bệnh nhân nổi ban, lúc đầu ban mọc ở mặt sau lan ra toàn thân kèm ngứa ngáy khó chịu, đau bụng, đi ngoài phân lỏng 4 - 5 lần/ngày. BV tỉnh chẩn đoán sốt phát ban, điều trị không thấy đỡ, bệnh nhân ho nhiều được chuyển về BV Bạch Mai.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bác sĩ phát hiện bệnh nhân phát ban nghi sởi, viêm long đường hô hấp trên, họng có hạt Koplik là những chấm trắng vùng niêm mạc má phải, mắt đỏ cộm, sưng nề mi mắt. Bệnh nhân xét nghiệm nhiễm virus sởi. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân khỏi bệnh, không có biến chứng.
Tương tự, bệnh nhân nữ T.H.B. (37 tuổi, ở Nam Định), sốt ở nhà 3 ngày, phát ban đỏ mọc từ mặt, cổ sau lan ra toàn thân, kèm đau rát họng, đau bụng, tiêu chảy, khó thở. BV tỉnh chẩn đoán sốt phát ban, giảm bạch cầu, tăng men gan, viêm phổi, điều trị kháng sinh không đỡ chuyển BV Bạch Mai. Tại BV, bệnh nhân được chẩn đoán sởi có biến chứng viêm phổi. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Trước vào viện 3 ngày, sinh viên V.T.T. (21 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) sốt, nổi ban ở mặt, sau gáy, sau đó lan ra toàn thân, kèm theo ho, chảy nước mắt, nước mũi. Bệnh nhân được chẩn đoán là dị ứng, xét nghiệm dương tính với bệnh sởi và chuyển về Trung tâm Bệnh Nhiệt đới.
Trong khi đó, tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân nam, N.V.T., 56 tuổi ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh nhập viện trong tình trạng sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng. Sau 1 ngày nhập viện, bệnh nhân chuyển biến nặng hơn với tình trạng suy hô hấp cấp, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực can thiệp hỗ trợ thở ô xy lưu lượng cao.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, giảm sốt, mức độ tiêu chảy giảm nhiều, mức độ suy hô hấp cải thiện rõ rệt, các chỉ số về mức ổn định.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, sởi có các biểu hiện sốt, phát ban đặc trưng, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc mắt, tiêu hóa. Sởi dễ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong bao gồm viêm phổi, viêm não.
Người lớn mắc sởi thường là những người chưa bao giờ tiêm vaccine phòng sởi, người có suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian, những người có bệnh nền, điều trị hóa chất, ung thư…
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính và nguy hiểm, lây qua đường hô hấp do virus họ Paramyxoviridae gây nên. Virus sởi rất dễ lây theo đường không khí hoặc giọt bắn.
Sởi ở người lớn hay trẻ em đều có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm đường phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc, bội nhiễm gây viêm tai giữa, viêm ruột và các loại nhiễm trùng khác ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều người lớn chủ quan cho rằng, bệnh sởi chỉ có ở trẻ em nên không đi khám và điều trị. Với phụ nữ có thai, bệnh sởi cũng có tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và ảnh hưởng tới thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu mang thai.
Hà Nội tập trung xử lý ổ dịch sởi
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, tuần qua, Hà Nội ghi nhận 25 ca mắc sởi. Trong đó, 19 ca chưa tiêm vaccine sởi, 4 ca đã tiêm, 2 ca không rõ tiền sử tiêm chủng.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 165 ca mắc sởi tại 27 quận, huyện, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong số các bệnh nhân đã ghi nhận, có 17,6% trẻ 1 - 2 tháng tuổi; 29,7% trẻ dưới 9 tháng tuổi; 15,2% trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi; 13,9% trẻ 2 - 5 tuổi và 23,6% trẻ trên 5 tuổi.
Theo CDC Hà Nội, số ca mắc sởi tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng. Bệnh nhân ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine, hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo thời gian tới, số ca mắc sởi có thể tiếp tục tăng lên.
Trước tình hình đó, CDC Hà Nội cùng các đơn vị giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch. CDC Hà Nội yêu cầu các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các ca nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch. Ngoài ra, tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine sởi của trẻ từ 1 - 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn TP chưa tiêm đủ mũi để tiêm bổ sung.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bệnh sởi không theo quy luật như trước. Hiện số ca mắc sởi xu hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, TP, đặc biệt ở những nơi đông dân cư. Người mắc bệnh sởi... đều không trong nhóm tuổi tiêm chủng thông thường của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh sởi, người dân nên tiêm vaccine sởi, áp dụng vệ sinh cá nhân và môi trường như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, cách ly người bệnh... Khi phát hiện các triệu chứng bất thường, người dân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc.