Gia tăng buôn bán động thực vật hoang dã trái phép

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá trị buôn bán động vật hoang dã hàng năm trên thế giới đạt trên 350 tỷ USD, điều này có nghĩa 350 triệu loài động thực vật hoang dã đã bị buôn bán mỗi năm.

Trong khi đó, giá trị buôn bán động thực vật hoang dã bất hợp pháp khoảng 50 – 150 tỷ USD, là một trong những mối đe dọa lớn nhất đến sự sinh tồn của các loài động vật quý hiếm.

Con số này được Mạng lưới giám sát động thực vật hoang dã (TRAFFIC) đưa ra tại Hội thảo “Lồng ghép bảo vệ động, thực vật hoang dã vào trách nhiệm xã hội của DN thông qua sử dụng thông điệp thay đổi hành vi” do Cơ quan Phát triển Pháp (AfD) tài trợ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TRAFFIC và Tổ chức WWF phối hợp tổ chức ngày 24/5.
 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán và tiêu thụ trái phép động thực vật hoang dã đang ngày càng gia tăng đã làm suy yếu đa dạng sinh học và ảnh hưởng đến môi trường sống chung của toàn xã hội. Bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện của tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho biết: "Tại Việt Nam, người dân đã hình thành khuynh hướng tiêu dùng các hàng hóa và sản phẩm xa xỉ để thể hiện đẳng cấp, trong đó có sừng tê giác khi mức thu nhập của họ ngày càng gia tăng”. 

Và hệ lụy của việc tiêu dùng quá mức là làm nảy sinh các vấn đề về môi trường, trong đó sự gia tăng tiêu dùng các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã nguy cấp sẽ ngay lập tức mang lại tác động tiêu cực và có thể hủy hoại sự đa dạng sinh học của các vùng lãnh thổ và trên toàn cầu.

Theo các chuyên gia, để thay đổi tình trạng này cần có sự vào cuộc của cộng đồng DN, hiệp hội, các tổ chức xã hội trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và thay đổi hành vi cũng người Việt Nam hướng tới việc từ bỏ những cảm xúc và niềm tin mù quáng vào tác dụng không có cơ sở khoa học của động, thực vật hoang dã, trong đó có sừng tê giác. 

"Nếu tất cả các tác nhân của quá trình phát triển gồm các hiệp hội, tổ chức xã hội, khối nhà nước và khối tư nhân cùng phối hợp hành động, chúng ta có thể giảm thiểu nhu cầu và chấm dứt các hành vi phạm tội liên quan đến buôn bán và tiêu thụ động, thực vật hoang dã trái phép" – bà Willemsen nhấn mạnh.

Tại hội thảo, đại diện VCCI, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (CWD), Hiệp hội Vận tải và Ô tô Việt Nam (VATA), Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung Ương, Bộ Y tế, các tổ chức truyền thông… đã cam kết tiên phong và khuyến khích cộng đồng DN, hội viên, các tổ chức đối tác làm những việc tốt nhất cho thiên nhiên hoang dã, ủng hộ những hoạt động, những sáng kiến nhằm giảm thiểu nhu cầu đối với các sản phẩm động, thực hoang dã.

Các hiệp hội, tổ chức tham dự hội thảo cũng đã xây dựng những kế hoạch truyền thông chiến lược tương ứng với chuyên môn hoạt động của mình. Đặc biệt, các thông điệp truyền thông sẽ được lồng ghép trong trách nhiệm xã hội và bộ quy tắc ứng xử của các tổ chức, trên cơ sở đó tiếp tục được truyền thông rộng rãi đến nhân viên và các đối tác, DN thành viên trong mạng lưới của các tổ chức này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần