Gia tăng các điểm ùn tắc tại các đô thị lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đánh giá của các địa phương, TNGT đã có những chuyển biến tích cực nhưng tình trạng UTGT lại có chiều hướng gia tăng.

Ngày 2/10, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức giao ban trực tuyến công tác đảm bảo trật tự ATGT 9 tháng đầu năm 2015. Theo đánh giá của các địa phương, TNGT đã có những chuyển biến tích cực nhưng tình trạng UTGT lại có chiều hướng gia tăng.

Xe quá tải lộng hành vùng biên

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, trong 9 tháng năm 2015, tình hình trật tự ATGT tiếp tục giảm sâu trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Cụ thể, trong 9 tháng, toàn quốc xảy ra 16.459 vụ TNGT, làm chết 6.518 người, bị thương 14.929 người. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 2.239 vụ, giảm 240 người chết, 2.906 người bị thương. Tuy nhiên, trên lĩnh vực đường thủy, đường sắt, TNGT lại tăng trên cả 3 tiêu chí, đặc biệt là số người chết vì TNGT (đường sắt tăng 40,54%, đường thủy tăng 30,23%). 
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.	 Ảnh: Công Trình
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Công Trình
Cũng theo người đứng đầu ngành GTVT, tình trạng xe chở hàng quá khổ, quá tải đã giảm mạnh nhưng vẫn diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tại các địa phương có nhiều mỏ vật liệu và các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc và Lào. "Tại một số địa phương như Ninh Bình, Hà Nam, Đồng Nai, Bình Dương... xe vi phạm kích thước thùng chở vật tư, vật liệu xây dựng hoạt động quanh các công trình xây dựng, khai thác mỏ, khu kinh tế, cảng vẫn chưa được kiểm tra xử lý. Thậm chí, tình trạng xe vi phạm chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý vẫn diễn ra" - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết. 

Kiến nghị thay đổi một số tiêu chí chưa phù hợp

Liên quan đến tình trạng UTGT có chiều hướng gia tăng trong những tháng vừa qua, đặc biệt tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, ngoài mật độ phương tiện cao thì những diễn biến thất thường của thời tiết, mưa lớn trên diện rộng ở miền Bắc và miền Trung dẫn đến sạt lở, ngập sâu, đã gây UTGT tại một số địa phương, nhất là Hà Nội. Khu vực phía Nam tuy không xảy ra mưa lũ lớn, nhưng ảnh hưởng của mưa và triều cường gây ra hiện tượng ngập úng cục bộ dẫn đến UTGT tại TP Hồ Chí Minh, Biên Hòa.

Đề cập đến tình trạng này, đại diện Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP không xuất hiện thêm điểm ùn tắc nào mới nhưng vẫn còn 13 "điểm đen" về tình trạng mất ATGT, 18 điểm thường xuyên xảy ra tình trạng UTGT và nhiều điểm đứng trước nguy cơ được liệt vào danh sách thường xuyên xảy ra ùn tắc bất cứ lúc nào. Đây cũng là thực trạng đã và đang diễn ra tại Hà Nội, như tuyến Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi (dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông), nút Phạm Hùng - Trần Duy Hưng (dự án Hầm chui Trung Hòa)... thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương đã đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia điều chỉnh tiêu chí xác định thế nào là UTGT nghiêm trọng và thế nào là ùn ứ giao thông. Bởi, nếu áp dụng theo nguyên tắc cũ (các phương tiện không di chuyển được từ 30 phút trở lên - PV) thì rất hiếm. Cùng với đó, các địa phương đề nghị nên xây dựng các tiêu chí đánh giá về công tác đảm bảo trật tự ATGT dựa vào số dân, mật độ phương tiện... để đảm bảo tính công bằng.

 
Các địa phương phải duy trì số điện thoại đường dây nóng, đừng để đường dây nóng thành đường dây nguội và nên sử dụng điện thoại di động để thuận lợi cho việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của Nhân dân.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tich Ủy ban ATGT Quốc gia
Xử lý nghiêm đơn vị  thi công gây ùn tắc

Đề cập những biện pháp để giảm thiểu tình trạng UTGT trong thời gian tới, đại diện UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP sẽ yêu cầu các địa phương tăng cường phối hợp giải quyết ùn tắc, cải tạo hạ tầng nút giao, lắp đặt các dải phân cách, hệ thống đèn tín hiệu giao thông theo từng khung giờ; bố trí lực lượng tổ chức phân làn giao thông cho phù hợp; Tiến hành xử lý tình hình vi phạm trật tự đô thị. 

Phát biểu tại đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong những năm qua, mặc dù trên địa bàn TP triển khai nhiều công trình giao thông lớn, công trình trọng điểm nhưng công tác đảm bảo trật tự ATGT, hạn chế UTGT đã được chính quyền các quận, huyện, phường, xã thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, những diễn biến thất thường của thời tiết kết hợp với việc triển khai các công trình giao thông đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân. Để khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết,  TP sẽ phối hợp với Bộ GTVT để có những chỉ đạo chung về công tác vận tải trên địa bàn, kiên quyết xử lý những trường hợp xe khách chạy với tốc độ "rùa bò" để bắt khách gây cản trở giao thông. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý những trường hợp đơn vị thi công các dự án lớn, dự án trọng điểm sử dụng xe quá khổ, chở hàng quá tải vi phạm các quy định của pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các tỉnh, TP giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Đồng thời yêu cầu các địa phương có số vụ TNGT tăng trên 20% khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu TNGT trong những tháng cuối năm. Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Chính phủ về việc kiềm chế, giảm thiểu TNGT. Tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, đẩy mạnh các dự án xây dựng hạ tầng giao thông. Xử lý nghiêm tình trạng "xe vua", xe đeo biểu xanh giả... Đối với tình trạng UTGT diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo hai TP chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp chống UTGT tại các tuyến đường cửa ngõ, những khu vực đang thi công xây dựng các công trình giao thông, đặc biệt là những ngày thời tiết xấu. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Công an TP Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử nghiêm những đơn vị thi công gây cản trở giao thông.

    
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng năm 2015 có 41 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư giảm số người chết vì TNGT, đặc biệt có 9 tỉnh giảm trên 20%. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó có 5 địa phương tăng trên 20%.