Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia tăng người mắc bệnh đái tháo đường, gây biến chứng nặng nề

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đái tháo đường (ĐTĐ) và các bệnh do thiếu hụt i-ốt đang gia tăng, khó kiểm soát, biến chứng nặng nề, làm tăng chi phí y tế. Phát hiện sớm bệnh ĐTĐ để quản lý, điều trị để làm chậm sự xuất hiện và tiến triển các biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Gia tăng trẻ mắc đái tháo đường

Theo thống kê của Liên đoàn ĐTĐ thế giới (IDF) tại Việt Nam, có khoảng gần 4 triệu người phải sống chung với căn bệnh ĐTĐ (năm 2021). Hầu hết trong số này là ĐTĐ típ 2. Nhưng chỉ 1/3 số người mắc ĐTĐ được chẩn đoán phát hiện, tương đương hơn 2,5 triệu người mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán và phát hiện.

Cũng theo dự báo của IDF, số trẻ từ 0 - 19 tuổi mắc ĐTĐ tuýp 1 là 1.211.900 ca, trong đó mỗi năm có thêm 149.500 ca mắc mới.

TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc ĐTĐ ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh ĐTĐ.

Biến chứng đái tháo đường khiến bé 4 tuổi rơi vào hôn mê. Bác sĩ  Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thăm khám cho bệnh nhi.
Biến chứng đái tháo đường khiến bé 4 tuổi rơi vào hôn mê. Bác sĩ  Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thăm khám cho bệnh nhi.

Số liệu tích luỹ đến nay có khoảng 1.750 trẻ ĐTĐ tuýp 1 được chẩn đoán ở các bệnh viện nhi lớn trên cả nước. Số ca mắc mới tăng lên rõ qua các năm.

Điển hình, mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã cứu thành công ca bệnh hôn mê nhiễm toan ceton do ĐTĐ ở trẻ 4 tuổi.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Kết – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh tiểu đường ở trẻ em tuy hiếm gặp nhưng biến chứng hôn mê nhiễm toan ceton có thể diễn tiến nặng nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Điểm khó ở trẻ này là tình trạng ĐTĐ của trẻ chưa hề được phát hiện từ đầu, đến lúc phát hiện ra thì trẻ đã trong tình trạng rất nặng.

Đề cập đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, tại Hà Nội, năm 2021 kết quả điều tra về ĐTĐ của người dân từ 18 - 69 tuổi cho thấy, tỷ lệ tiền ĐTĐ 16%; tăng đường huyết là 10,2%; tăng huyết áp 30,8%, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng 19,2%; tỷ lệ hút thuốc lá có xu hướng giảm 14,2%; tỷ lệ uống từ 6 đơn vị cồn trở lên giảm còn 9,4%.

Sự gia tăng này cho thấy, sự bùng nổ của bệnh ĐTĐ trở thành gánh nặng về chăm sóc y tế, làm tổn hại đến thành tựu phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh, bệnh ĐTĐ tuýp 2 có thể phòng ngừa được bằng cách duy trì cân nặng lý tưởng và tăng cường hoạt động thể lực.

TS Phan Hoàng Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân dẫn đến cắt cụt chi.

Bệnh ĐTĐ không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nặng nề như mù lòa, suy thận, tai biến mạch máu não, đột quỵ. Cùng với bệnh lý ĐTĐ, hiện nay, một số bệnh nội tiết khác như rối loạn chuyển hóa, bướu cổ, suy giáp cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

Người dân Hà Nội được thăm khám, sàng lọc trong Ngày hội Y tế cơ sở phòng chống bệnh không lây – đái tháo đường, tăng huyết áp.
Người dân Hà Nội được thăm khám, sàng lọc trong Ngày hội Y tế cơ sở phòng chống bệnh không lây – đái tháo đường, tăng huyết áp.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho biết, đơn vị đang theo dõi, điều trị cho ngoại trú khoảng 1.000 trẻ bị ĐTĐ tuýp 1. Bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác do ảnh hưởng nhiều đến tuần hoàn và tri giác.

ĐTĐ tuýp 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, chủ yếu hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, do tuyến tụy không còn khả năng sản xuất đủ Insulin. Bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ tuýp 1 cần được điều trị bằng Insulin thì mới có cơ hội sống.

 

Các bậc phụ huynh khi phát hiện con mình có biểu hiện uống nhiều nước, đi tiểu nhiều kèm gầy sút cân trong thời gian ngắn nên đưa con đi khám để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, điều trị đúng cách tránh các tai biến nghiêm trọng có thể xảy ra.

Bác sĩ Hoàng Văn Kết – Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, 10 năm trước, chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm, có cả trẻ sơ sinh cũng mắc ĐTĐ.

Trong 1.000 ca bệnh viện đang theo dõi, điều trị, chỉ có khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận. Mặc dù bảo hiểm y tế hiện chi trả thuốc và vật tư nhưng các bé vẫn phải di chuyển quãng đường xa, ảnh hưởng đến học tập, tạo gánh nặng cho gia đình.

Do đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đang triển khai chương trình chăm sóc bệnh ĐTĐ trên trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam (CDiC). Bệnh viện cung cấp miễn phí sinh phẩm, thiết bị để trẻ kiểm soát đường huyết ngay tại nhà.

Từ tháng 4 đến nay, đã có khoảng gần 400 cháu được hỗ trợ theo dõi và kiểm soát đường huyết ở nhà. Ngoài can thiệp, trẻ cũng cần phải đảm bảo một chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng, như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein. Hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Khuyến khích nhiều hoạt động thể chất.

Phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị, giảm nguy cơ biến chứng

Thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai nhiều nội dung liên quan đến phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có ĐTĐ.

Bộ Y tế yêu cầu giáo dục, đào tạo nhân viên y tế và người bệnh ĐTĐ để làm tốt hơn việc phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị và chăm sóc người bệnh ĐTĐ.
Bộ Y tế yêu cầu giáo dục, đào tạo nhân viên y tế và người bệnh ĐTĐ để làm tốt hơn việc phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị và chăm sóc người bệnh ĐTĐ.

TS Vương Ánh Dương cho hay, Bộ Y tế đã triển khai việc quản lý, cấp phát thuốc điều trị cho bệnh nhân ĐTĐ tại trạm y tế. Do đó, những người đã mắc ĐTĐ cần theo đuổi tuân thủ việc quản lý và tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc để làm trì hoãn, giảm nguy cơ biến chứng của ĐTĐ.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ để những trường hợp có nguy cơ về ĐTĐ sớm đến cơ sở y tế khám, sàng lọc, phát hiện và điều trị sớm ĐTĐ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, bệnh ĐTĐ và các bệnh do thiếu hụt i-ốt đang gia tăng, khó kiểm soát, biến chứng nặng nề, làm tăng chi phí y tế, giảm chất lượng cuộc sống. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có dự báo sớm và có chiến lược phòng, chống bệnh tật phù hợp.

Bộ Y tế yêu cầu giáo dục, đào tạo nhân viên y tế và người bệnh ĐTĐ để làm tốt hơn việc phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị và chăm sóc người bệnh ĐTĐ.

Đề cập đến vấn đề này, TS Phan Hoàng Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân dẫn đến cắt cụt chi.

Bệnh ĐTĐ không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn nguy cơ dẫn đến những biến chứng nặng nề như mù lòa, suy thận, tai biến mạch máu não, đột quỵ. Cùng với bệnh lý ĐTĐ, hiện nay, một số bệnh nội tiết khác như rối loạn chuyển hóa, bướu cổ, suy giáp cũng đang có dấu hiệu gia tăng.

Theo chuyên gia y tế, để dự phòng sớm, quản lý, điều trị kịp thời nhằm giảm sự gia tăng mắc bệnh ĐTĐ và các biến chứng của bệnh, trước hết người bệnh phải biết rõ ĐTĐ là một bệnh rối loạn suốt đời.

Khi có các biểu hiện ban đầu của tiền ĐTĐ hoặc các yếu tố nguy cơ khác của bệnh ĐTĐ như: Thừa cân – béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid người dân phải được tư vấn, phát hiện sớm.

Làm được điều đó, việc phòng chống bệnh ĐTĐ mới có hiệu quả, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí điều trị bệnh đái tháo đường, nhất là các biến chứng sau này, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ hạnh phúc gia đình của người bệnh.

Đồng thời, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người dân cần thường xuyên xét nghiệm đường máu để phát hiện bệnh ĐTĐ và điều trị sớm, ngăn ngừa biến các biến chứng nguy hiểm; hãy duy trì hoạt động thể lực hàng ngày, chế độ ăn uống hợp lý để phòng chống bệnh ĐTĐ.

Ngoài ra, người dân cần nhận biết nguy cơ của chính mình để biết cách ứng phó với bệnh ĐTĐ. Bệnh ĐTĐ hoàn toàn có thể phòng, chống được nếu tìm hiểu và biết cách thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý.

 

Phân loại bệnh ĐTĐ gồm có các  tuýp chính:

Bệnh ĐTĐ tuýp 1: có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khi mắc ĐTĐ tuýp 1, cơ thể sản xuất rất ít hoặc không sản xuất insulin.

Bệnh ĐTĐ tuýp 2: phổ biến hơn ở người lớn và chiếm khoảng 90% tổng số trường hợp ĐTĐ. Khi mắc ĐTĐ tuýp 2, cơ thể không sử dụng tốt lượng insulin mà nó tạo ra.

ĐTĐ thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết lần đầu tiên được phát hiện trong thời kỳ mang thai.