Kinhtedothi - Theo số liệu thống kê, trong tháng 10, cả nước có 6.831 DN thành lập mới, trong khi có 7.141 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động.
Ảnh minh họa.
Tính chung trong 10 tháng, trên cả nước có 60.023 DN đăng ký thành lập với tổng vốn đăng ký là 352,5 ngàn tỷ đồng, giảm 6,5% về số DN và tăng 9,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2013. Một số ngành vẫn tiếp tục gặp khó khăn nên trong khi số lượng DN đăng ký thành lập giảm thì số đơn vị giải thể, tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN tăng. Cụ thể, lĩnh vực y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 15,5% về số DN thành lập và tăng 11,2% về số DN giải thể, ngừng hoạt động...
Cần phải nhìn nhận đây là hiện tượng đồng hành trong nền kinh tế thị trường. Tổng kết chung trên thế giới, bình quân mỗi nước có khoảng 20 - 30% DN phá sản và giải thể. Tuy nhiên, khi tình trạng phá sản, giải thể tăng tới 50% như hiện nay thì đây chính là sự thất bại của mô thức nào đó trước những sức ép mới. Cần phải nhìn nhận đây là một cuộc thanh lọc lớn giống như năm 1992 - khi nhiều DN Nhà nước "chết" và chuyển sang DN tư nhân, thì nay phá sản một loạt DN trong nước để chuyển thành DN liên kết, liên doanh hoặc một hình thức nào đó. Đây là cú sốc cần thiết để thanh lọc những DN làm ăn tư duy theo kiểu cũ, làm giả ăn thật. Mặc dù vậy, điều này đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao hơn, Nhà nước phải đứng ra lo an sinh xã hội thông qua các loại bảo hiểm thất nghiệp, chế độ phúc lợi... và đầu tư như thế nào đó để tạo ra công ăn, việc làm mới.
Đã đến lúc không nên quá nhấn mạnh mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, mà cần xem đây là nhiệm vụ thường xuyên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của DN, người dân. Việc tháo gỡ, giải quyết khó khăn của DN trong thời gian tới cần tập trung nhằm tạo thay đổi đột phá mạnh về thể chế quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - tài chính công, cải cách tư pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định, góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.