Gia tăng thách thức bảo mật thông tin

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực trạng an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam trong một vài năm qua diễn biến rất khó lường. Nhiều lĩnh vực trọng yếu và công trình quan trọng của quốc gia đang trở thành đích ngắm của các cuộc tấn công mạng quy mô lớn.

 Ảnh minh họa
3 vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin 
Chia sẻ tại Hội thảo – triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật 2018 diễn ra ngày 5/4 tại Hà Nội, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Hải cho biết, so với thời gian trước, năm 2017 ghi nhận mức độ quan tâm đến an toàn, an ninh thông tin của các tổ chức, DN, từ Chính phủ đến người dân đều được nâng cao. Hệ thống hành lang pháp lý cho việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cũng tương đối hoàn thiện.

Tuy nhiên theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận - Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an, cần nhìn vào thực tế là trong năm qua, Việt Nam phải đối diện với 3 vấn đề mất an toàn, an ninh thông tin lớn.
Đáng chú ý là việc hàng loạt các cuộc tấn công mạng diễn ra với quy mô lớn, cường độ cao nhắm vào các lĩnh vực trọng yếu cũng như các công trình quan trọng của quốc gia. Đa số các cuộc tấn công đều diễn ra thông qua hạ tầng truyền dẫn vật lý như trục truyền dẫn quốc tế, trục truyền dẫn nội bộ quốc gia và hạ tầng dịch vụ lõi. Hơn nữa, hầu hết các cuộc tấn công không còn diễn ra một cách tự phát, đơn lẻ mà đã trở thành những chiến dịch, có hệ thống, quy mô lớn.

Bên cạnh đó, theo nhận định của Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Quốc gia Nguyễn Trọng Đường, tình trạng lây nhiễm mã độc cũng đáng lo ngại. Các mã độc ngày càng tinh vi, phức tạp, đặc biệt là những mã độc đa mục đích, vừa mã hóa dữ liệu, vừa tống tiền, vừa ăn cắp dữ liệu. Điển hình như mã độc Wannacry, giữa năm 2017 đã tấn công và gây thiệt hại cho gần 250 DN Việt Nam.

Lo ngại lộ bí mật Nhà nước

Việt Nam trở thành 1 trong 20 quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới với gần 60 triệu người dùng internet (chiếm hơn 62% dân số). Điều này đặt chúng ta trước thách thức phải chịu tác động mạnh bởi các diễn biến của tình hình an ninh mạng thế giới.

Theo ông Hoàng Phước Thuận, một trong những nguy cơ lớn là hiện nay, tình hình lộ bí mật Nhà nước, lộ thông tin cá nhân của người dùng internet diễn ra đáng lo ngại. Mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật Nhà nước trên internet. Thực tế có thể còn vượt xa con số đã phát hiện do tính chất nặc danh, khó phát hiện của môi trường mạng dẫn tới hậu quả khôn lường.
Thông tin cá nhân, dữ liệu về tài khoản của người sử dụng mạng không được bảo vệ và bị lạm dụng vào mục đích thương mại, chính trị, thể hiện rõ nhất là vụ 50 triệu tài khoản của Facebook đã bị chia sẻ trái phép cho Công ty Cambridge Anlytica sử dụng vì mục đích thương mại và chính trị, dẫn đến Mỹ và Liên minh châu Âu phải mở cuộc điều tra khẩn.

Cùng với đó, sự thiếu lành mạnh và nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng cũng gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. “Hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để tăng cường bảo mật và quyền riêng tư trong kỷ nguyên IoT. Bằng việc hợp tác, các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ, nhà phát triển ứng dụng và khách hàng có thể giải quyết tốt hơn nhiều so với khả năng mà mỗi bên đơn phương có thể làm” – đại diện Tập đoàn Huawei chia sẻ.
Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung vào các lỗ hổng, các điểm yếu của các thiết bị IoT mà điển hình là các camera giám sát, điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho chính phủ, đặc biệt là khi triển khai các dự án chính phủ điện tử hay thành phố thông minh. 

Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Hải