Số liệu quan trắc cho thấy, từ ngày 9/11 đến trưa nay (12/11), ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa rất to, với tổng lượng mưa 300 - 600mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Hồ Thủy Yên (Thừa Thiên Huế) 858mm, Ba Nam (Quảng Ngãi) 760mm, Canh Niên (Bình Định) 698mm.
Mưa lớn đã gây lũ từ báo động (BĐ)2 đến trên BĐ3 các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa. Dự báo những giờ tới, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi sẽ xuống mức BĐ2 - BĐ3, riêng tại sông Vệ lên mức trên BĐ3 là 0,7m; các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa xuống mức dưới BĐ2.
Mưa lũ do hoàn lưu bão số 12 tiếp tục làm gia tăng thiệt hại về người và tài sản của người dân. Tính đến trưa nay (12/11), đã có 2 người chết (Quảng Nam 1 người, Bình Định 1 người); 2 trường hợp hiện còn đang bị mất tích (Phú Yên 1 người, Quảng Nam 1 người). Ngoài ra, còn có 8 người khác bị thương.
Hạ tầng dân sinh cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 12. Đến nay đã có 9 nhà dân bị sập đổ; 388 nhà bị tốc mái, hư hại; 25.653 nhà bị ngập. Hiện, hàng ngàn hộ dân đang phải sơ tán tạm cư đến nơi tránh trú an toàn chờ nước rút và khắc phục hậu quả.
Thông tin từ ngành điện lực cũng cho biết thêm, trưa nay (12/11), vẫn còn 29 xã thuộc 2 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bị mất điện (Khánh Hòa 2 xã, Phú Yên 27 xã). Gió lớn, mưa to cũng khiến 75 cột điện bị gãy, đổ tại Phú Yên. Ngoài ra, khu vực Bắc Cửa Đại (Quảng Nam) với chiều dài khoảng 3,0km; bờ biển Thừa Thiên Huế (Phú Lộc, Phú Vang) với chiều dài 10 km cũng bị sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của sóng lớn.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, cùng với chủ động ứng phó bão số 13, đơn vị đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ do bão số 12. Tập trung khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, sẵn sàng sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực sơ tán, không để phát sinh dịch bệnh, không để người dân thiếu các điều kiện cuộc sống cơ bản.