Giá thép giảm lần thứ 11: Doanh nghiệp thép liên tục báo lỗ

Ngọc Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu quặng sắt và phế liệu; lượng hàng tồn kho thép lớn cùng với sự gia tăng giá VLXD khác khiến các DN ngành thép sụt giảm lợi nhuận.

Nhiều DN thép thông báo kết quả kinh doanh giảm mạnh.
Nhiều DN thép thông báo kết quả kinh doanh giảm mạnh.

Lợi nhuận sụt giảm

Hôm qua (27/7), giá thép xây dựng trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm sâu. Đây là lần giảm thứ 11 kể từ đầu năm và lần thứ 4 chỉ tính riêng từ cuối tháng 6.

Cụ thể, tại thị trường miền Bắc, thép Hòa Phát được điều chỉnh giảm 310.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn khoảng 15,6 triệu đồng/tấn và hơn 16,2 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, thương hiệu thép Việt Ý, với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 sau khi điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn hiện duy trì ở mức 15,2 triệu đồng/tấn và 16 triệu đồng/tấn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá thép giảm liên tục. Đến nay, do nhu cầu thép trong quý II/2022 không còn cao như đợt đầu năm; giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép đi xuống cũng góp phần điều chỉnh giá mặt hàng này.

Giá thép giảm là tin vui đối với ngành xây dựng, nhưng đối với các DN sản xuất phải đối mặt với kéo giảm doanh thu và lợi nhuận. Đơn cử, Công ty CP Thép Mê Lin (KCN Quang Minh, huyện Mê Linh) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu khoảng 162 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận giảm 93% xuống còn 1,7 tỷ đồng.

Lợi nhuận sụt giảm, đại diện thép Mê Lin lý giải, do chịu sự tác động của giá thép trên thị trường thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp, nên doanh thu giảm, lợi nhuận cũng giảm.

Trong khi đó, tình trạng tương tự cũng xảy ra với với Công ty CP Thương mại SMC, khi lãi ròng giảm mạnh 90%, xuống mức 47 tỷ đồng. Cuối quý II/2022, công ty vẫn còn 3.372 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng mạnh so với mức 2.544 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, SMC dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 170 tỷ đồng.

Hướng tới đáp ứng cơ bản trong nước

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), ngành thép ASEAN vẫn phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu quặng sắt và phế liệu. Malaysia, Việt Nam và Indonesia là những nước nhập khẩu quặng sắt lớn trong khu vực. Nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng từ 1,9 triệu tấn năm 2016 lên trên 50 triệu tấn năm 2021. Hầu hết nhập khẩu đến từ Brazil (46%), Úc (34%) và Malaysia (10%).

Dự báo về diễn biến giá thép thời gian tới, VSA cho rằng, giá thép sẽ tiếp tục giảm, bởi từ tháng 7 đến tháng 9 là thời điểm mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng.

Nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại thêm tác động của thời tiết xấu sẽ tác động đến tình hình tiêu thụ thép trong quý III/2022.

Dự báo trên càng được củng cố bởi thời gian gần đây, các nhà sản xuất thép phải đối mặt với những sản phẩm thép đến từ Nga khi nước này đẩy mạnh xuất khẩu đến thị trường châu Á, sau khi các lệnh trừng phạt được thực thi. Khối lượng thép của Nga tăng lên tại khu vực này có thể gây áp lực lên các thị trường vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng cũng như sụt giảm nhu cầu.

Đối với Tokyo Steel, chuyên sản xuất hợp kim từ kim loại phế liệu, sự xuất hiện các sản phẩm của Nga là thuận lợi do tác động mạnh lên giá phế liệu của khu vực. Ảnh minh họa.
Đối với Tokyo Steel, chuyên sản xuất hợp kim từ kim loại phế liệu, sự xuất hiện các sản phẩm của Nga là thuận lợi do tác động mạnh lên giá phế liệu của khu vực. Ảnh minh họa.

Giám đốc điều hành thu mua tại Tokyo Steel Soichiro Tsuda nhận định, những sản phẩm thép của Nga được đánh giá là một nhân tố hoàn toàn mới chưa từng có trong tiền lệ trên thị trường thép phế liệu. Giá thép phế liệu của Nhật Bản đã giảm hơn 1/4 kể từ mức đỉnh vào hồi tháng 4 vừa qua. "Giá cả có thể sẽ giảm hơn nữa, hoặc tốt nhất sẽ là ở mức như hiện tại" - ông Tsuda cho biết thêm.

Mới đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các giải pháp, biện pháp đồng bộ về quản lý, điều hành để bình ổn giá, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố tác động đến xây dựng công trình.

Trong đó, đối với thép và các loại vật liệu xây dựng thông thường, Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

 

Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong các tháng tới đây, giá thị trường vật liệu xây dựng vẫn có nhiều biến động, nhất là một số mặt hàng bị ảnh hưởng bởi thị trường nguyên liệu đầu vào từ quốc tế như thép, nhựa đường và các vật liệu khai thác cát, đá, đất đắp.