Giá thép liên tục tăng: Nhà thầu “đau đầu” lo bù lỗ

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá bán thép từ đầu năm 2023 đến nay đã điều chỉnh tăng giá tới 4 lần, gây ảnh hưởng tới đơn giá mà các nhà thầu, DN xây dựng đã ký kết, nếu không thể đàm phán sẽ phải chịu bù lỗ.

Đứng ngồi không yên

Sau một thời gian khá dài đi ngang, giá bán mặt hàng thép thép xây dựng ngay từ đầu năm 2023 đã bật tăng mạnh. Chỉ trong vòng một tháng qua, nhiều DN thép trong nước đã điều chỉnh tăng giá sắt thép 4 lần, đỉnh điểm tăng giá liên tiếp trong vòng 2 ngày (30 và 31/1).

Nhiều nhà thầu lo ngại khi giá thép từ đầu năm liên tục điều chỉnh. Ảnh: Hải Linh
Nhiều nhà thầu lo ngại khi giá thép từ đầu năm liên tục điều chỉnh. Ảnh: Hải Linh

Mới đây nhất, ngày 8/2, hàng loạt thương hiệu thép trong nước tăng giá lần thứ 4, với mức tăng dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/tấn. Thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc tăng 310.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, tương ứng lần lượt là 15,76 triệu đồng/tấn và 15,84 triệu đồng/tấn.

Còn với các thương hiệu khác như thép Việt Đức, Kyoei, Pomina, VAS có thông báo điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và tăng 310.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300. Với mức tăng mạnh như hiện tại, việc nhập giá thép khiến nhiều DN xây dựng phải "đau đầu" trong việc đàm phán ký lại hợp đồng với các chủ đầu tư các dự án xây dựng.

Có 2 công trình đang xây dựng tại quận Đống Đa, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành Building Trần Văn Hòa chia sẻ, trước Tết DN đã cho nhập đơn hàng vừa đủ theo khối lượng hợp đồng đã yêu cầu. Chưa hoàn thành xong công trình thì thiếu thép, công ty gọi điện đặt hàng đại lý thông báo giá thép đã tăng.

"Việc giá thép thay đổi, tăng quá mạnh làm ảnh hưởng đến đơn giá của chúng tôi trong khi công trình vẫn phải thi công, buộc phải đàm phán lại với chủ đầu tư, nếu không chấp nhận DN phải bù lỗ. Chủ DN vật liệu xây dựng không chịu ký hợp đồng cung cấp thép dài hạn mà chỉ đồng ý bán thép khi gọi điện hoặc tới cửa hàng lấy thép và lúc đó mới được báo giá" - ông Trần Văn Hòa chia sẻ.

Tính nhẩm bù lỗ, ông Trần Văn Hòa cho biết, với một hợp đồng xây dựng dân dụng đã ký sẽ không bao gồm trượt giá vật liệu nên rất khó có thể đàm phán thay đổi.

Trong khi toàn bộ chi phí phải chi bao gồm vật tư chiếm 60 - 70% (các loại vật liệu xây dựng như thép, sắt, cát, xi măng, đá…), nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10%. Khi giá thép tăng như hiện nay, có thể khiến công trình bị đội từ 10% trở lên.

Xây dựng vẫn sẽ còn khó khăn

Với việc giá thép tăng mạnh thời gian gần đây, nhìn nhận chung về hoạt động của các nhà thầu xây dựng sẽ tiếp tục khó khăn do vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi giá vật liệu xây dựng (xi măng, cát...) neo cao. Bởi lẽ, chi phí nguyên vật liệu dùng cho hoạt động sản xuất luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí sản xuất của các DN xây dựng.

Đại diện một số DN cho rằng, để tháo gỡ khó khăn chồng chất cho DN xây dựng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp trình Chính phủ sớm điều chỉnh cơ chế thanh toán cho nhà thầu với các loại vật liệu biến động tăng hơn 10% ở tất cả loại hình hợp đồng; điều chỉnh hệ số nhân công vùng miền cho phù hợp với chuyển biến của thị trường lao động hiện nay.

"Phải có giải pháp quyết liệt bình ổn giá nguyên liệu đầu vào của ngành xây dựng, hỗ trợ DN về cải tiến hệ thống định mức, đơn giá - khi đây là một cản trở rất lớn cho họ vì phải bù lỗ và không được các nhà đầu tư trợ giá" - ông Trần Văn Hòa kiến nghị.

Đồng quan điểm, KTS Ngô Tâm - Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Covic chia sẻ, trong khi nhu cầu xây dựng giảm, việc giá thành vật liệu tiếp tục tăng theo giá thế giới tạo áp lực cho DN xây dựng dân dụng cũng như các dự án đầu tư công. Vì vậy, Chính phủ cần quyết liệt và kịp thời hơn nữa để bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng.

Còn theo nhận định của thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng, với việc Chính phủ đang tích cực khơi thông khó khăn cho bất động sản cùng với nâng mức tổng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (gần 2,9 triệu tỷ đồng) tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông sẽ khiến nhu cầu các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh, dẫn đến giá vẫn tiếp tục thay đổi đến quý III/2023.

Giá cả về mặt hàng thép có thể hạ nhiệt vào quý IV/2023 bởi vì lúc này các DN thép gần như hoàn thành kế hoạch của năm và điều chỉnh sản xuất cũng như lên kế hoạch cho năm 2024. Tuy nhiên, điều này ảnh hưởng nặng nề tới các DN xây dựng khi chi phí xây dựng bị đội lên cao.

"Để hạn chế vấn đề này, các đơn vị quản lý Nhà nước cần bổ sung quy định pháp luật, ban hành hướng dẫn các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng… Có như vậy, thị trường mới phát triển bền vững" - thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nói.

 

"Giá nguyên vật liệu nếu cứ tăng quá nhanh sẽ khiến các DN lớn xây dựng không muốn hoặc không dám nhận các dự án trong nước và quay ra làm các dự án có vốn đầu tư nước ngoài để có lãi; các nhà thầu nhỏ và vừa có vốn mỏng không đủ sức làm, cứ bù lỗ dần rồi giải thể." - KTS Ngô Tâm - Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Covic