Đóng lò, cắt giảm
Số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), trong tháng 10/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,046 triệu tấn, giảm 16,38% so với tháng 9/2022 và giảm 28,7% so với cùng kỳ 2021; Bán hàng thép các loại đạt 1,888 triệu tấn, giảm 5,53% so với tháng trước và giảm 29,4% so với cùng kỳ.
Sản xuất thép thành phẩm 10 tháng đầu năm 2022 đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 5,316 triệu tấn, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
VSA nhận định, kinh tế - xã hội Việt Nam trong 10 tháng của năm 2022 khá ổn định, các cân đối vĩ mô đưa ra triển vọng, lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành, đặc biệt ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức có khả năng kéo dài đến Quý II/2023.
Trước những yếu tố bất lợi khách quan từ thị trường, quý III chứng kiến màu sắc ảm đạm trong bức tranh kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp thép. Điều này khiến nhiều công ty đi đến quyết định khó khăn là đóng cửa lò cao, tái cơ cấu kinh doanh của mình.
Với "ông lớn" ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã sản xuất 567.000 tấn thép thô trong tháng 10 vừa qua, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42%. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, giảm 55% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%.
Từ quý III đến nay, lượng sản xuất và bán hàng của Tập đoàn giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu. Trong tháng vừa qua, sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm mạnh, trong đó thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%.
Tuy nhiên, thép HRC vẫn tăng trưởng so với tháng 9/2022 và tháng 10/2021. Kết quả này đạt được là nhờ một số lô xuất khẩu sang thị trường Indonesia, Malaysia. Ngoài các sản phẩm trên, Hòa Phát còn cung cấp hơn 57.000 tấn ống thép, 27.000 tấn tôn mạ các loại cho thị trường, giảm lần lượt 20% và 39% so với cùng kỳ 2021.
Lũy kế 10 tháng 2022, Tập đoàn đã sản xuất 6,6 triệu tấn thép thô, giảm 2%. Sản lượng bán hàng các thành phẩm thép đạt gần 6,2 triệu tấn, giảm 3% so với 10 tháng 2021. Trong đó, thép xây dựng là 3,6 triệu tấn, tăng 13%. Thép HRC đạt 2,3 triệu tấn, tăng 9%.
Sản phẩm hạ nguồn HRC của Hòa Phát là ống thép đạt 634.000 tấn, tăng 11%. Tôn mạ các loại đạt 276.000 tấn, giảm 13% so với lũy kế 10 tháng 2021.
Trong thời gian tới, Tập đoàn Hòa Phát sẽ điều chỉnh sản xuất và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên quản trị tốt hơn hàng tồn kho và chi phí vận hành.
Ngày 30/9 vừa qua, Hòa Phát ghi nhận tổng giá trị hàng tồn kho gần 44.800 tỷ đồng, cao hơn khoảng 2.400 tỷ so với ngày đầu năm. Trong đó, giá trị tồn kho thành phẩm là khoảng 14.700 tỷ và tồn kho nguyên vật liệu là hơn 18.800 tỷ, lần lượt tăng 4,7% và giảm 5,5% so với 9 tháng trước.
Liên tiếp khó chồng khó, trong một thông báo gửi các đối tác ngày 4/11, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết sẽ tạm dừng hoạt động 4 lò cao (2 lò ở Dung Quất và 2 lò ở Hải Dương). Đồng thời, công ty cho biết thêm đến đầu tháng 12 có thể phải dừng thêm 1 lò cao nữa ở Khu liên hợp Dung Quất. Hiện nay Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương.
Sau một loạt ông lớn ngành thép như Hòa Phát, Pomina thông báo đóng lò cao, Formosa Hà Tĩnh là cái tên tiếp theo thông báo sẽ cắt giảm sản lượng thép. Cụ thể, giai đoạn đầu, nhà máy thép này sẽ cắt giảm 15% sản lượng để ổn định giá thép tại thị trường Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến động thái này là do Formosa Hà Tĩnh phải chịu tác động bởi tình trạng dư cung thép và đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu thấp khiến sản lượng xuất khẩu không còn cao như dự kiến, buộc công ty đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng.
Nhìn chung, trước tình hình kinh doanh ảm đạm cùng bối cảnh nhu cầu yếu ở cả trong và ngoài nước, hàng tồn kho nhiều, không chỉ riêng Formosa mà thời gian gần đây, không ít nhà sản xuất thép khác cũng đã và đang tiến hành cắt giảm công suất.
"Thắt lưng buộc bụng"
Cũng theo VSA, tháng 9/2022, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam đạt 533 ngàn tấn, tăng 3,8% so với tháng trước nhưng giảm 60,63% so với cùng kì năm 2021. Trị giá xuất khẩu đạt 429 triệu USD, giảm 6,17% so với tháng 8/2022 và giảm 69,32% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 6,46 triệu tấn thép giảm 34,38% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD giảm 22,65% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài thép xây dựng, tiêu thụ một số sản phẩm thép khác thuộc nhóm thép phẳng trong tháng 9 cũng ghi nhận mức giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, bán hàng tôn mạ kim loại sơn phủ màu giảm 41,6% xuống 299.326 tấn. Trong đó, xuất khẩu đạt 104.494 tấn, giảm mạnh 72,4% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu của sản phẩm này giảm 33% xuống 1,6 triệu tấn (chiếm 50% lượng tổng lượng tiêu thụ).
Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến giá HRC giảm và nhu cầu ở nước ngoài trầm lắng kể từ tháng 4 và tháng 5. Sức tiêu thụ sẽ phụ thuộc rất lớn vào thị trường trong nước, ít nhất là đến cuối năm.
“Cạnh tranh mạnh hơn trong một thị trường quy mô nhỏ dường như hạn chế khả năng tăng giá bán, do đó hạn chế khả năng phục hồi biên lợi nhuận. So với quý II, lượng tiêu thụ trong tháng 7, tháng 8 giảm kết hợp với tỷ suất lợi nhuận thấp hoặc âm có thể dẫn đến việc ghi nhận lỗ trong quý III” - VDSC nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trái ngược với các kỳ vọng từ tăng trưởng kinh tế trong nước, thị trường thép quý III/2022 đối mặt với vô vàn khó khăn khi giá thép thế giới lao dốc. Cụ thể, giá quặng quay về mức dưới 100 USD/tấn, giảm 25% so quý II, và giảm tới 48% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nguyên liệu khác như thép phế, phôi thép, thép cuộn cán nóng cũng suy giảm 20 - 25%.
Giá thế giới giảm tạo sức ép lớn lên giá thép trong nước. Bên cạnh đó, tình trạng chiến tranh và các khó khăn của nền kinh tế thế giới dẫn đến nhu cầu suy giảm, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu suy giảm dẫn đến tăng nguồn cung trong nước và tình trạng cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa.
Giá thép nội địa quý III cũng suy giảm mạnh trên 20%. Cụ thể, giá thép xây dựng hiện đã giảm về mức quanh 14,5 triệu đồng/tấn (giao tại các Nhà máy, chưa VAT), giảm trên 4 triệu đồng/tấn so với mức đỉnh trong quý II/2022.
Theo đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) cho biết, thị trường thép trong nước quý IV/2022 được đánh giá sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.
Tuy vậy, đơn vị cũng kỳ vọng với việc đà giảm của giá thép đang chậm lại, các biện pháp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và việc các công trình tăng cường hoàn thiện trong giai đoạn cuối năm sẽ giúp thị trường thép và các doanh nghiệp trong ngành bớt khó khăn hơn.
"Nhằm cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV/2022 và vượt qua giai đoạn thị trường khó khăn có thể kéo dài sang 2023, chúng tôi chủ trương thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm tiết giảm tối đa các chi phí không cần thiết, rà soát để triển khai nhiều giải pháp căn cơ trong tất cả các khâu từ mua hàng, sản xuất đến bán hàng nhằm hạn chế tối đa rủi ro, đồng thời sẵn sàng tận dụng cơ hội khi thị trường có dấu hiệu đảo chiều" - vị đại diện này thông tin.
"VSA phải vươn lên làm vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước, đồng thời đóng vai trò trọng tài để góp phần bình ổn thị trường thép, bảo đảm quyền lợi của 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng" - Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân