Ngành chăn nuôi trong năm 2021 đã trải qua nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Giá thịt lợn hơi trong nước có thời điểm xuống tới ngưỡng 35.000 đồng/kg khiến nông dân chăn nuôi thua lỗ.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, đến nay khó khăn với người chăn nuôi cơ bản được tháo gỡ. Người chăn nuôi kỳ vọng vào việc giá lợn sẽ phục hồi vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Bởi theo thông lệ, vào những tháng cuối năm, các công ty chế biến tăng cường thu mua để chuẩn bị cho đợt hàng phục vụ lễ, tết nên giá các loại thực phẩm cũng tăng cao hơn.
Tuy nhiên, năm nay giá lợn hơi lại bất ngờ quay đầu giảm khi chỉ còn cách Tết Nguyên đán chưa đầy 1 tháng. Cụ thể, giá lợn hơi ngày 4/1 cả 3 miền ghi nhận mức giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Bắc dao động trong khoảng 45.000 - 48.000 đồng/kg.
Trong đó, tỉnh Yên Bái hạ nhẹ một giá, hiện đang thu mua tại mức 46.000 đồng/kg. Sau khi giảm 2.000 đồng/kg, tỉnh Thái Bình điều chỉnh giao dịch xuống còn 45.000 đồng/kg, ngang bằng với Phú Thọ, thấp nhất khu vực.
Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg. Hiện tại, sau khi hạ nhẹ một giá, thương lái tại Quảng Bình và Thừa Thiên Huế hiện đang thu mua lần lượt với giá 46.000 - 47.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại vẫn giao dịch ổn định quanh mốc trung bình là 47.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi miền Nam chứng kiến giá thu mua giảm trong phiên đầu tuần. Sau khi hạ một giá, tỉnh Tây Ninh và Long An đang cùng giao dịch lợn hơi tại mức 47.000 đồng/kg. Hầu hết các tỉnh thành còn lại đang thu mua quanh mốc trung bình là 48.000 đồng/kg. Với mức giá này đã giảm 29,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Với giá lợn như hiện nay, phần lớn cơ sở chăn nuôi đang chịu lỗ, bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng hơn 20%, thuốc thú y tăng 180%, nên chi phí chăn nuôi bị đẩy lên cao.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân giá lợn quay đầu giảm bởi nguồn cung tăng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 4.180,2 nghìn tấn, tăng 3,6% so với năm trước. Trong 10 tháng đầu năm 2021, có khoảng 350.000 con lợn sống được nhập khẩu từ Thái Lan về giết mổ, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng với nhập khẩu lợn sống, có gần 332.000 tấn thịt lợn các loại được nhập khẩu về Việt Nam, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết Nguyên đán khá dồi dào và giá cả sẽ không biến động mạnh.
ThS Hoàng Thị Vân - Viện Kinh tế - Tài chính đưa ra dự báo, hiện nay dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát vẫn tiềm ẩn. Tuy nhiên, dự án nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi tại Công ty NAVETCO thu được kết quả khoa học và thực tiễn quan trọng, có thể trình Cục Thú y xin cấp phép để sản xuất và lưu hành.
Nếu tình hình dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19 đều được kiểm soát tốt hơn, nhu cầu tiêu dùng phục hồi khi nhà hàng, trường học, khu du lịch mở cửa trở lại sẽ tạo cơ hội cho giá lợn hơi trong nước phục hồi trong năm 2022. Dự báo trong quý I/2022 giá lợn hơi có thể tăng nhẹ trở lại.
Tuy nhiên, giá lợn hơi sẽ không tăng đột biến. Khi sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi thành công, hiệu quả được sử dụng trên diện rộng thì thị trường lợn hơi ở nước ta sẽ bình ổn.