Giá thịt lợn vẫn ở mức cao: Cần giải pháp thiết thực

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá thịt lợn vẫn tăng ở mức khá cao bất chấp những nỗ lực, giải pháp bình ổn của các cơ quan chức năng, đó là vấn đề tiếp tục làm “nóng” nghị trường Quốc hội.

 Ảnh minh họa
Với nhiều lý giải được đưa ra, người đứng đầu Bộ NT&PTNT cho rằng, phải tập trung tuyên truyền để người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng. Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, cũng đều của người nông dân làm ra. San sẻ các nhóm thực phẩm vừa tốt, vừa không gây áp lực lên một ngành hàng.
Nhưng đúng như nhiều ý kiến phân tích, không hẳn chỉ là câu chuyện ăn gì, mà quan trọng là có giải pháp căn cơ để quản lý giá một mặt hàng thiết yếu.
Giá thịt lợn là vấn đề liên tục được bàn đến trong không ít cuộc họp từ T.Ư đến địa phương, nhiều chỉ đạo, văn bản đã được ban hành với yêu cầu sớm giảm giá thịt lợn, làm rõ vấn đề là người dân chăn nuôi có hưởng lợi từ tăng giá không hay chỉ một bộ phận trung gian… Nhưng nhìn từ thực tế cho thấy, giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao, hoặc có giảm cũng rất nhỏ và xu hướng tăng luôn "chiếm ưu thế". Cũng chính vì lý do này mà nhiều người ví von “giá thịt lợn chỉ giảm trên tivi, chứ ở chợ, siêu thị vẫn cao chót vót”.
Nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn cao được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra là bởi chưa đủ lượng sản phẩm để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Trong đó, do dịch tả lợn châu Phi vô cùng nguy hiểm làm tổng đàn lợn toàn thế giới giảm 12%, kéo theo hệ lụy thực phẩm khủng hoảng. Dù chúng ta rất cố gắng, nhưng với thiệt hại gần 6 triệu con lợn đã bị tiêu hủy, về khối lượng giảm 9,6% trên tổng số 3,8 triệu tấn thịt lợn, chính là nguyên nhân cơ bản gây nên biến động giá. "Quy luật cung cầu không gặp nhau dẫn đến giá thịt lợn tăng. Chính phủ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung đẩy nhanh hơn quá trình khôi phục đàn lợn, tái đàn" - như Bộ trưởng đã nhấn mạnh.
Điều đó có thể hiểu, những diễn biến trên thị trường đã được lường trước. Như một số ĐB đã chỉ ra, ở đây là vấn đề quy luật cung - cầu, cung thiếu trong khi cầu nhiều nên vừa qua mệnh lệnh hành chính không hiệu quả là đúng, bởi với DN, lợi nhuận vẫn là yếu tố quan trọng nhất, nhưng giải pháp đưa ra không thể nói rằng “thịt lợn đắt quá thì chuyển qua ăn thịt gà, trứng gà…” mà cần xem lại các giải pháp điều hành, điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu cho hợp lý. Có ý kiến còn phân tích, Bộ NN&PTNT đã có quyết định đồng ý cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để nuôi, giết mổ làm thực phẩm từ ngày 12/6. Đây được coi là một trong những biện pháp nhằm tăng nguồn cung, đồng thời giúp mặt hàng thịt lợn trong nước "hạ nhiệt". Vậy nhưng, ở góc nhìn khác, việc này chỉ là một trong những giải pháp để bù đắp sản lượng thiếu hụt. Điều quan trọng là sau quyết định này, giá thịt lợn liệu có giảm, giảm bao nhiêu và bao lâu mới là vấn đề cần quan tâm.
Thiết nghĩ, chu kỳ tăng giá thịt lợn đã quá dài và có dấu hiệu cho thấy, một số DN lớn đã bắt tay liên kết thao túng giá. Giải quyết bài toán giá thịt lợn hiện nay phải dựa trên dữ liệu và yếu tố cung - cầu thị trường, chính vì vậy, đã đến lúc cơ quan quản lý không thể chỉ kêu gọi tinh thần trách nhiệm của DN hay người tiêu dùng mà phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để định hướng trong quản lý. Để có tổng thể giải pháp từ quy hoạch chăn nuôi, đến điều tiết thị trường, quản lý tình trạng thao túng giá, khuyến khích DN đầu tư lớn vào chuỗi giá trị…, Không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt heo giá rẻ trên tivi hoặc kêu gọi thay đổi thói quen tiêu dùng thực phẩm.