Giá thu phí tại BOT Bắc Giang – Lạng Sơn: Cần điều chỉnh để hài hòa lợi ích

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa mới chính thức thu phí được một ngày, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã nhận nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn ý kiến xoay quanh mức giá vé được đánh giá là quá cao, gây khó khăn cho DN vận tải, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.

Sau nhiều chờ đợi, tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cũng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ 0h ngày 18/2, Trạm BOT trên tuyến cao tốc này cũng chính thức được vận hành để thu phí hoàn vốn cho dự án. Tuy nhiên, gần như ngay lập tức, mức giá vé được áp dụng tại đây bị đánh giá là quá cao so với mặt bằng chung tại nhiều tuyến cao tốc hiện nay.
Giá vé kịch trần
Cụ thể, xe ô tô dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng thu mức 2.100 đồng/km; xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 3.000 đồng/km; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 3.700 đồng/km; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 fit là 6.000 đồng/km và xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit sẽ được thu với mức 8.100 đồng/km.
 Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Ảnh: Lam Thanh
Những mức vé trên được đưa ra dựa trên theo Quyết định 264/QĐ - UBND ngày 12/2/2020 của UBND tỉnh Lạng Sơn quy định về giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ của Dự án thành phần 1, thuộc Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km1+800-Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn. Mức thu này được đánh giá là đã kịch trần và cũng đứng ở mức cao nhất hiện nay đối với đường cao tốc và ở mức thu kịch khung theo quy định tại Thông tư 35 của Bộ GTVT.
Điều bất ngờ ở chỗ, dù được đánh giá là ở mức kịch trần nhưng đây vẫn chưa phải là mức phí mà nhà đầu tư Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kỳ vọng. Bởi trong văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn, xin điều chỉnh mức phí sử dụng dịch vụ đường bộ của Dự án thành phần 1 (gồm trạm thu phí QL1 và cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn), mức phí khởi điểm mà Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn kỳ vọng là 62.000 đồng/lượt/xe nhóm 1 với QL1 và 2.200/đồng/km đối với xe loại 1, 8.600 đồng/km đối với xe nhóm 5.
Thậm chí, theo chủ đầu tư này thì kể cả mức phí như đề xuất trên được phê duyệt, dự án vẫn thiếu khoảng 3.000 tỷ đồng trả lãi vay trong 9 năm đầu tính từ khi khai thác tuyến cao tốc, dẫn đến chưa bảo đảm dòng tiền trả gốc vay, không thể đáp ứng thời hạn trả nợ đến ngày 31/12/2034 theo hợp đồng tín dụng hai bên đã ký kết.
Doanh nghiệp vận tải “lĩnh đủ”
Ngay sau khi mức thu phí ở cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được công bố, DN vận tải đã lên tiếng phản ứng. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Duy Ninh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh (chủ nhà xe Ninh Quỳnh chạy tuyến Lạng Sơn – Hà Nội) cho rằng, đây là mức giá vé quá cao và không tương xứng với chất lượng, tiêu chuẩn đường.
 Mức phí kịch trần tại BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
“Tiêu chuẩn đường của cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn không bằng nhiều tuyến cao tốc khác trong khi giá vé lại thu cao hơn. Như thế là không hợp lý” – ông Nguyễn Duy Ninh nói. Đồng thời, ông cũng đưa ra con số cụ thể để làm bài toán so sánh, đó là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chỉ có quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp trong khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tới 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp nhưng mức phí thu đồng đều với tất cả phương tiện cũng chỉ ở mức 2.000 đồng/km. Thậm chí, cao tốc Nội Bài- Lào Cai là tuyến cao tốc làm mới hoàn toàn, dài 245km cũng chỉ thu ở mức 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn.
“Chúng tôi rất mong muốn chủ đầu tư cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có những chương trình hỗ trợ giảm giá vé cho các DN vận tải ở địa phương, bởi chúng tôi là DN vận tải chạy tuyến cố định, việc giá vé BOT quá cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu” – ông Ninh chia sẻ và cho biết thêm, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các DN vận tải trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, tình trạng xe chạy không hoặc xe vắng khách diễn ra như cơm bữa.
“Từ khi có dịch, lượng khách bị giảm đến 85% bởi bến xe chúng tôi nằm ở cửa khẩu Hữu Nghị. Khi cửa khẩu đóng thì gần như hoạt động vận tải cũng bị đóng băng. Đây là lúc DN vận tải rất cần được chia sẻ khó khăn, có thể hỗ trợ phần nào giá vé” – ông Ninh đề nghị.
Trong khi đó, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, theo nguyên tắc của quản lý thị trường thì việc đưa ra giá vé phải dựa trên sự hạch toán chính xác nhằm bảo đảm quyền lợi hài hòa của cả DN đầu tư và người sử dụng dịch vụ. “Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn cũng không nằm ngoài nguyên tắc này. Tức là mức giá vé trước khi được áp dụng đã được các cấp có thẩm quyền nghiên cứu và phê duyệt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN vận tải đã và đang gặp rất nhiều khó khăn thì cũng cần nghiên cứu lại giá vé cho phù hợp” – TS Cao Sỹ Kiêm nhận định.
Dù vậy, theo TS Cao Sỹ Kiêm, để có thể điều chỉnh giá vé trên cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là điều không đơn giản. Đầu tiên phải có ý kiến đề xuất của địa phương, ý kiến của DN vận tải và sự đồng thuận của nhà đầu tư. Sau đó, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đứng ra xem xét và đưa ra quyết định có điều chỉnh hay không.

"Cả phía DN vận tải và nhà đầu tư cao tốc đều có những lý lẽ riêng của họ. Nhưng cần hiểu chúng ta đang trong nền kinh tế thị trường, vì vậy tốt nhất nên để cho quy luật thị trường tự điều chỉnh. Nghĩa là cứ để mọi việc diễn ra tự nhiên, nếu giá vé không hợp lý, DN vận tải và người dân sẽ không sử dụng dịch vụ của nhà đầu tư BOT nữa. Khi đó đương nhiên nhà đầu tư sẽ phải tự động giảm giá vé bởi giá có cao đến mấy mà không có xe đi thì DN BOT cũng lâm nguy." - Chuyên gia Giao thông TS Nguyễn Hữu Đức


"Trong trường hợp có thiên tai, dịch bệnh mà có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và hiệu quả của DN thì Nhà nước sẽ có trách nhiệm ra chính sách hoặc can thiệp với các ngành để giảm chi phí ở mức hợp lý hỗ trợ giúp DN tồn tại trong khi vẫn đảm bảo những quy tắc của thị trường." - Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam TS Cao Sỹ Kiêm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần