Giá thực phẩm sau Tết vẫn giữ mức ổn định

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm sau Tết vẫn giữ mức khá ổn định, thậm chí có sản phẩm như rau, củ quả còn giảm nhẹ so với thời điểm những ngày cuối tháng Chạp.

KTĐT - Giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm sau Tết vẫn giữ mức khá ổn định, thậm chí có sản phẩm như rau, củ quả còn giảm nhẹ so với thời điểm những ngày cuối tháng Chạp.

Theo khảo sát của phóng viên, từ Mùng 4 Tết, nhiều chợ ở Hà Nội đã hoạt động khá nhộn nhịp, tuy rằng hàng hóa không dồi dào so với hồi trước Tết. Do số lượng lớn học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viên chức chưa kết thúc kỳ nghỉ Tết nên sức mua chưa cao. Do vậy, giá nhiều loại thực phẩm tươi sống vẫn giữ giá khá ổn định. Lác đác có một số mặt hàng tăng nhẹ, riêng rau củ quả tươi hạ nhiệt so với những ngày cuối tháng Chạp.

Chị Hiền ở Cầu Diễn, Hà Nội cho biết, hôm 28 Tết một mớ rau cần loại nhỏ có giá 10.000 đồng thế nhưng hôm Mùng 4 Tết, giá còn 8.000 đồng. Cà chua loại đẹp mọng quả, giá 14.500 đồng một kg, trong khi giáp Tết giá lên tới 16.000-18.000 đồng một kg. "Những năm trước, sau Tết, giá các loại rau củ quả thường rất đắt đỏ do người dân chán thịt và có nhu cầu ăn rau. Tuy nhiên, năm nay, tôi thấy giá cả không biến động nhiều có thể do sức mua giảm và hàng hóa cung ứng nhiều", chị Hiền cho biết.

Theo khảo sát của PV tại chợ Nam Đồng và Vĩnh Hồ, Hà Nội sáng nay, giá hầu hết các loại rau củ quả giữ ở mức khá ổn định, thậm chí có loại giảm nhẹ so với thời điểm sát Tết. Chẳng hạn một mớ rau cải cúc có giá 2.000-3.000 đồng một mớ, giảm 500-1.000 đồng so với trước. Rau cần giá 8.000-8.500 đồng một mớ, giảm 1.000-1.500 đồng so với trước.

Chị Hoa bán rau ở chợ Nam Đồng cho hay, năm nay chị mở hàng từ Mùng 4 Tết vì đây là ngày đẹp. "Do thời tiết ấm áp vào mấy ngày Tết nên chủ vườn rau đã gọi điện thông báo có thể cung cấp hàng ngay từ Mùng 2 Tết. Hàng hóa dồi dào, rau cỏ được mùa nên giá cả cũng ổn định hơn", chị Hoa nói.

Theo chị, sở dĩ các mặt hàng thực phẩm ở chợ năm nay không đắt đỏ so với những năm trước là vì bản thân các chủ cửa hàng cũng đang phải cạnh tranh với hệ thống các siêu thị. "Năm nay, mặt bằng giá chung không đắt đỏ so với những năm trước", chị Hoa nói.

Tại chợ Nam Đồng, Vĩnh Hồ, Hà Nội giá thịt lợn vai và mông vẫn giữ mức ổn định 115.000 đồng một kg, giảm 5.000 đồng mỗi kg so với sát Tết. Bình thường giá các sản phẩm này là 80.000-85.000 đồng một kg. Sườn thăn 75.000-80.000 đồng một kg.

Giới kinh doanh ở chợ cho biết, giống như mọi năm thịt bò, thịt gà và các loại thực phẩm thủy hải sản vẫn là loại giữ ở mức cao nhất do sức mua cao. Hiện một kg thịt bò thăn vẫn giữ giá 240.000-250.000 một kg, thịt già giá 125.000-130.000 một kg. Cá trăm đen loại to giá 180.000 đồng một kg. Cá trắm trắng giá 145.000 đồng một kg, giảm 5.000-10.000 đồng so với trước. Riêng một số loại thực phẩm hải sản khác như tôm cua, mực, ghẹ, ngao... vẫn giữ ở mức cao, tăng 15-20% so với ngày thường.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 3 ngày Tết giá cả trên phạm vi cả nước tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Bộ Công Thương cho hay thị trường Tết Tân Mão được đánh giá sôi động hơn một vài năm trở lại đây do phục hồi của nền kinh tế. Sức mua trên thị trường tăng khoảng 20-25% so với năm 2010. Tuy nhiên, do các địa phương đã có kế hoạch chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm nên cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là tại các thanh phố lớn. Việc bán hàng bình ổn và tổ chức bán hàng phục vụ Tết, đặc biệt đối với các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng được thực hiện tương đối tốt.

Cũng trong dịp Tết, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng…

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần