Giá tiêu hôm nay 1/1: Ngành hồ tiêu cần làm gì để giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2022?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 1/1 trong khoảng 79.500 - 82.000 đồng/kg. Thị trường trong nước có 2 ngày cuối năm 2021 đi ngang. Sau 1 năm, thị trường trong nước tăng 51 - 54%.

Giá tiêu hôm nay 1/1: Ngành hồ tiêu cần làm gì để giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2022?
Giá tiêu hôm nay 1/1: Ngành hồ tiêu cần làm gì để giữ vững đà tăng trưởng trong năm 2022?

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 80.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 79.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 79.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 82.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 81.000 đồng/kg.

Sáng nay giá tiêu trong nước đi ngang tại các vùng trồng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua. Thị trường trong nước có 2 ngày cuối năm 2021 đi ngang. Sau 1 năm, thị trường trong nước tăng 51 - 54%.

Năm 2021 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trở lại của ngành hồ tiêu Việt Nam. Giá xuất khẩu tiêu tăng là do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, chất lượng hạt tiêu được đảm bảo nên trong năm qua số lần bị khiếu nại về vấn đề dư lượng hóa chất tồn dư giảm nhiều so với các năm trước.

Hầu hết chuyên gia, đơn vị xuất khẩu và người trồng hồ tiêu cũng đều có chung kỳ vọng là giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022.

Dự báo tình hình xuất khẩu hồ tiêu sẽ tăng cao ngay trong quý 1/2022 với nhu cầu thu mua ước tính 50.000 tấn, trong khi tổng sản lượng cả năm chỉ khoảng 150.000 tấn. Nhu cầu xuất khẩu năm 2022 dự tính là 240.000 tấn.
Năm 2020 lượng xuất khẩu đạt tới 285.292 tấn, nhưng kim ngạch mang về chỉ 660,569 triệu USD. Năm 2021, lượng xuất khẩu giảm xuống chỉ còn 260.000 tấn, nhưng kim ngạch đã vọt lên 950 triệu USD, giảm khoảng 9% về lượng nhưng tăng 44% về giá trị...

Theo giới quan sát nhận định, gần thời điểm thu hoạch hồ tiêu vụ mới sẽ đón nhận dòng tiền từ cà phê quay trở lại đầu cơ. Giống vụ cà phê, vụ tiêu mới năm nay nhiều khả năng sẽ thu hoạch chậm và kéo dài hơn so với mọi năm. Do vậy, những đơn hàng quý I/2022 đã ký với các đối tác khả năng sẽ không đủ giao. Buộc doanh nghiệp nâng giá để gom đủ hàng.

Tây Nguyên là vùng trồng hồ tiêu lớn nhất của cả nước với trên 70% diện tích. Những năm qua việc sản xuất hồ tiêu ở khu vực Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, ngoài nguyên nhân giá cả thị trường biến động gây bất lợi cho người trồng thì còn do tình hình sâu, bệnh xuất hiện gây thiệt hại ngày càng tăng.

Riêng đối với tỉnh Đắk Lắk, đến cuối năm 2020, diện tích cây hồ tiêu là 34.500 ha (chiếm 40,1% diện tích toàn vùng Tây Nguyên); trong đó, diện tích cho sản phẩm là 30.150 ha, năng suất sản phẩm trên 25 tạ/ha, sản lượng 75.8181 tấn (chiếm 43,3% toàn vùng). Hiện nay, địa phương có rất ít nhà máy chế biến và bảo quản; số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ; chưa có sự liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất đến tiêu thụ; việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho cây hồ tiêu còn hạn chế… Khó khăn của Đắk Lắk cũng là khó khăn chung của ngành tiêu hiện nay.

Do vậy trong thời gian tới, ngành hồ tiêu phải đẩy mạnh xây dựng vùng trồng tiêu hữu cơ bền vững, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất hồ tiêu GlobalGAP, VietGAP... trong sản xuất, chế biến tiêu. Đặc biệt, nông dân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu phải liên kết giải quyết cơ bản vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất trong hồ tiêu mà các nước tiêu dùng đang cấm để nâng cao chất lượng hồ tiêu xuất khẩu. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm hồ tiêu chế biến chất lượng cao, như: Tinh dầu tiêu, tiêu trắng từ tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu xay bột, các sản phẩm gia vị từ tiêu, tiêu sạch, đóng gói xuất thẳng vào hệ thống bán lẻ toàn cầu, tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ hồ tiêu chất lượng cao như châu Âu, Mỹ...