Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 11/7: Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu nhiều nhất nửa đầu năm

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 11/7 trong khoảng 67.500 - 70.500 đồng/kg. Thị trường trong nước giữ ổn định những ngày qua, trong khi đó giá tiêu tại Indonesia liên tục biến động, tăng giảm trái chiều, khi quốc gia này bước vào vụ thu hoạch hồ tiêu năm nay với sản lượng dự kiến giảm.

Giá tiêu hôm nay 11/7: Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu nhiều nhất nửa đầu năm
Giá tiêu hôm nay 11/7: Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu nhiều nhất nửa đầu năm

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 68.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 67.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 68.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 70.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 69.500 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay giữ ổn định tại các địa phương so với cùng thời điểm hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.687 USD/tấn, giảm 0,38%; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 3.050 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA giữ mức 4.900 USD/tấn.

Giá tiêu trắng Muntok 6.383 USD/tấn, tăng 0,78%; giá tiêu trắng Malaysia ASTA vẫn ở 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.

6 tháng đầu năm 2023, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam vừa công bố, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.484 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.011 USD/tấn, giảm lần lượt 879 USD đối với tiêu đen và 1.070 USD đối với tiêu trắng.

Trân Châu là doanh nghiệp xuất khẩu đứng đầu trong khối Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, chiếm 6,5%, thị phần xuất khẩu đạt 9.926 tấn, tuy nhiên so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 38,5%. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Nedspice Việt Nam – 9.542 tấn, chiếm 6,2% và giảm 0,6% so cùng kỳ; Olam Việt Nam – 8.492 tấn, chiếm 5,6% và giảm 40,2%; Phúc Sinh – 8.247 tấn, chiếm 5,4% và tăng 1,6%; Haprosimex JSC – 6.332 tấn, chiếm 4,1% và giảm 17,7%.

Một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng bao gồm: Tuấn Minh: 107,1%; Intimex Group: 36%; Hanfimex Việt Nam: 21,8%; Ptexim Corp: 21,0%; Synthite Việt Nam: 8,7%; Prosi Thăng Long: 6,6%…

Xuất khẩu giảm ở Harris Freeman, Liên Thành, DK, Sơn Hà, Pitco… Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Nedspice: 1.794 tấn, Olam Việt Nam: 1.570 tấn, Trân Châu: 1.499 tấn, Liên Thành: 1.314 tấn, Phúc Sinh: 925 tấn.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 50.369 tấn, chiếm 32,9% thị phần. Tuy nhiên, đối với thị trường Trung Quốc, thực tế nhiều năm qua, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Điều này đối mặt với những rủi ro, nhất là tình trạng tắc nghẽn cửa khẩu do phía Trung Quốc đột ngột dừng mua, huỷ kèo…

Mới đây, trong dự thảo Nghị định 14/2018/NĐ-CP về thương mại biên giới, Bộ Công Thương đề xuất đến 1/1/2028, tất cả cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Khi nghị định này được thực thi sẽ tốt cho ngành hồ tiêu, vì thương lái Trung Quốc sẽ không chia nhỏ lô hàng như hiện nay mà phải mua chính ngạch, cạnh tranh với các doanh nghiệp chính thống Việt Nam. Lúc đó, các doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu chính ngạch sẽ được hưởng lợi.

Song, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn từ phía Trung Quốc như phải có mã số vùng trồng được đăng ký với sở nông nghiệp các địa phương cấp; vùng trồng đạt được chứng nhận GAP (VietGAP, GlobalGAP, ASEANGAP) hoặc chứng nhận tương đương được Việt Nam và quốc tế công nhận…