Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 16/12: Sắp thủng mốc 80.000 đồng/kg vì cạn tiền, doanh nghiệp hồ tiêu làm ăn ra sao từ đầu năm?

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 16/12 trong khoảng 80.000 - 83.000 đồng/kg. Nguồn tiền cạn kiệt. Thương nhân Trung Quốc hạn chế mua hàng. Một số đầu cơ chốt lời để chuyển sang gom cà phê... là những nguyên nhân tác động tiêu cực tới giá tiêu hiện nay.

Giá tiêu hôm nay 16/12: Sắp thủng mốc 80.000 đồng/kg vì cạn tiền, doanh nghiệp hồ tiêu làm ăn ra sao từ đầu năm?
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 81.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 80.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 80.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 83.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 82.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Sáng nay giá tiêu trong nước giảm 1.000 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, giảm 500 đồng/kg ở khu vực Đông Nam Bộ so với cùng thời điểm sáng qua. Như vậy, sau những ngày đầu tuần giữ ổn định, giá tiêu tại các địa phương lại bắt đầu đi xuống. Nhìn chung thị trường vẫn trầm lắng.

Nguyên nhân giá giảm được các chuyên gia lý giải, là do các ông lớn hiện đã đủ hàng và nguồn tiền cũng đã cạn kiệt. Thương nhân Trung Quốc hạn chế mua hàng. Một số đầu cơ chốt lời để chuyển sang gom cà phê bởi thời gian gần đây giá mặt hàng này liên tục tăng.

Thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lũy tiến từ đầu năm đến hết tháng 11/2021, Việt Nam đã xuất khẩu được 245.975 tấn kim ngạch đạt 867,2 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2020 lượng xuất khẩu giảm 7%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 43,8%.

Trong đó, nhập khẩu của châu Mỹ tăng 9,3%. Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam đạt 55.602 tấn, tăng 9,6% so cùng kỳ. Xuất khẩu cũng tăng ở các thị trường Canada, El Salvador, Dominica, Guatemal, Venezuela,… và giảm ở Mexico, Chi Lê, Jamaica.

Ở khu vực châu Âu, nhập khẩu tăng 4,9%, đứng đầu là các thị trường Đức: 11.228 tấn, tăng 9,5%; Hà Lan 9.356 tấn, tăng 34%; Anh: 5.506 tấn, tăng 9,3%, Pháp: 5.018 tấn, tăng 30,1%… Nhập khẩu giảm ở Nga, Ireland, Ba Lan, Ucraina, Isarel….

Trong khi đó, tại khu vực châu Á nhập khẩu giảm 14,5%, trong đó nhập khẩu của Trung Quốc giảm 27,3% đạt 37.746 tấn. Nhập khẩu của Ả Rập tăng 26,2% đạt 15.169 tấn và tiếp tục là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ 2 tại châu Á của Việt Nam. Nhập khẩu của Ấn Độ đạt 11,754 tấn, giảm 1,5%; Pakistan: 10.016 tấn, tăng 5,2%… Các thị trường nhập khẩu giảm: Philippine, Thái Lan, Saudi Arab, Nhật Bản, Myanmar…

Khu vực châu Phi nhập khẩu giảm 28,8% trong đó Ai Cập giảm 31,7% đạt 5.708 tấn. Nhập khẩu cũng giảm ở Nam Phi, Senegal, Gambia, Mauritania, Tunisia, Sudan,… Các nước nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu: Đức: 4.941 tấn, Mỹ: 4.129 tấn, Hà Lan: 3.205 tấn, Trung Quốc: 2.376 tấn, Thái Lan: 1.818 tấn,…

Ở chiều ngược lại, 11 tháng năm 2021 Việt Nam đã nhập khẩu 23.017 tấn (bằng gần 10% lượng xuất khẩu), so với cùng kỳ năm 2020 giảm 34,8%, và so với cùng kỳ năm 2019 giảm 42,8%.

Đứng đầu xuất khẩu hồ tiêu 11 tháng năm 2021 tiếp tục là Công ty Olam với lượng xuất khẩu đạt 24.088 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Tiếp theo là các doanh nghiệp Trân Châu: 22.144 tấn, giảm 11%; Nedspice: 18.260 tấn, tăng 12%; Phúc Sinh: 15.915 tấn, giảm 21,8%; Haprosimex JSC: 11.777 tấn, giảm 7,2%; Liên Thành: 9.795 tấn, tăng 27,5%,… Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu: Olam: 4.267 tấn; Nedspice: 3.539 tấn; Liên Thành: 2.913 tấn, Trân Châu: 2.358 tấn, Phúc Sinh: 1.669 tấn, Hoàng Gia Luân: 1.281 tấn… Khối các doanh nghiệp trong VPA xuất khẩu chiếm 74,6%, tăng 2,2% so với cùng kỳ.

Indonesia, Cambodia và Brazil là 3 quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam chiếm 86,7%. Tuy nhiên so cùng kỳ 2020 lượng nhập khẩu từ Indonesia giảm 48,6% và từ Brazil giảm 42,1% trong khi nhập khẩu từ Cambodia tăng 110,6%.

Olam là doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất chiếm 45,6% và so cùng kỳ giảm 8,1%. Các doanh nghiệp FDI chiếm 76,1% tổng lượng nhập khẩu, khối các doanh nghiệp trong VPA nhập khẩu chiếm 82,5%, giảm 0,9% so với cùng kỳ.