Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 23/7: Gặp khó do Covid-19, tiêu xuất khẩu còn bị siết ở hải quan

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 23/7 trong khoảng 72.500 - 75.000 đồng/kg. Sau nhiều ngày đi ngang, giá tiêu Ấn Độ thể hiện rõ xu hướng giảm.

Giá tiêu hôm nay 23/7: Gặp khó do Covid-19, tiêu xuất khẩu còn bị siết ở hải quan
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 73.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 75.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 74.000 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu ổn định so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Thông tin từ Bộ Công Thương, 19 ngày đầu tháng 7/2021, giá hạt tiêu xuất khẩu tại các thị trường biến động không đồng nhất. Giá hạt tiêu đen xuất khẩu tại Ấn Độ và Việt Nam giảm so với cuối tháng 6/2021; giá xuất khẩu tại Brazil ổn định; giá xuất khẩu tại Indonesia và Malaysia tăng nhẹ. Trong khi đó, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tại Indonesia tăng, giá tại Việt Nam và Malaysia giảm.

Ngày 19/7/2021, giá hạt tiêu đen trong nước giảm từ 1,3 - 3,4% so với ngày 30/6/2021. Nguyên nhân do ảnh hưởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 và giá cước phí vận chuyển quá cao, sức mua của doanh nghiệp hạn chế, hàng tồn kho ở mức cao, lượng hạt tiêu trong dân còn khá nhiều.

Bộ Công Thương đánh giá, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam khá thuận lợi trong tháng 6/2021, tuy nhiên diễn biến phức tạp của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu đã có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn cung hạt tiêu sang các nhà cung cấp Indonesia, Malaysia, Xri Lan-ca, Campuchia...

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), thời gian gần đây, Hoa Kỳ và EU đã chuyển hướng nhập khẩu hạt tiêu từ Brazil vì chất lượng không quá chênh lệch so với hạt tiêu của Việt Nam, chi phí vận chuyển từ Brazil đến Hoa Kỳ chỉ bằng 1/3 và đến EU chỉ bằng 1/10 so với từ Việt Nam.

Cũng theo VPA, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đang gặp khó do hải quan đưa mặt hàng này vào xuất khẩu có điều kiện để kiểm soát xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp khi mở tờ khai xuất khẩu hồ tiêu thì bị xếp vào “luồng vàng”, tức là bị kiểm tra chi tiết hồ sơ, chứng từ thay vì là luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa) như trước.

Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thì việc đi lại để xử lý thông quan tờ khai sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro phơi nhiễm Covid-19.

Theo các cơ quan chức năng, hồ tiêu nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu có điều kiện, cơ quan hải quan phải phân luồng kiểm tra theo văn bản quản lý chuyên ngành. Trường hợp xác định doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu là dược liệu không dùng cho mục đích làm thuốc thì cơ quan hải quan thực hiện thông quan trên hệ thống, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp.

VPA nhận định, việc đưa hạt tiêu vào danh mục hàng hóa xuất khẩu có điều kiện là quá vô lý và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đây là mặt hàng nông sản xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong 20 năm qua.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan nêu thắc mắc và khó khăn của các doanh nghiệp.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 869,25 rupee/tạ, ở mức 41.130,25 rupee/tạ. Sau nhiều ngày đi ngang, giá tiêu Ấn Độ thể hiện rõ xu hướng giảm. Nguyên nhân nguồn cung nội địa dư thừa trong khi tiêu giá rẻ của Xri Lan-ca tiếp tục tràn vào.