Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá tiêu hôm nay 29/12: Tăng 2 ngày liên tiếp, thị trường dần sôi động với dòng tiền chảy về từ cà phê

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá tiêu hôm nay 29/12 trong khoảng 79.000 - 81.500 đồng/kg. Thị trường được nhận định sẽ dần sôi động cho tới giáp Tết âm lịch, cũng là thời điểm chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới.

Giá tiêu hôm nay 29/12: Tăng 2 ngày liên tiếp, thị trường dần sôi động với dòng tiền chảy về từ cà phê
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 80.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 79.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 79.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 81.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 80.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Sáng nay giá tiêu trong nước tăng 500 đồng/kg tại các vùng trồng trọng điểm so với cùng thời điểm hôm qua. Đây là ngày tăng thứ 2 liên tiếp của thị trường trong nước. Trong kho đó, sau 1 ngày tăng 100 USD/tấn với giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam, Hiệp hội hồ tiêu thế giới đã có điều chỉnh lại. Cụ thể, giá tiêu trắng xuất khẩu bất ngờ giảm mạnh 300 USD/tấn, xuống còn 6.200 USD/tấn, cùng đà giảm còn có tiêu đen 500g/l, giảm 90 USD/tấn, còn 4.200 USD/tấn; duy chỉ có tiêu đen xuất khẩu 550g/l tăng nhẹ, từ 4.390 lên 4.400 USD/tấn. Thị trường được nhận định sẽ dần sôi động cho tới giáp Tết âm lịch, cũng là thời điểm chuẩn bị vào vụ thu hoạch mới. Khi đó dòng tiền từ cà phê sẽ chuyển dịch trở lại thị trường hồ tiêu, trong bối cảnh vụ thu hoạch trễ hơn mọi năm.

Tổng kết năm, số liệu cho thấy nguồn hồ tiêu nhập khẩu ngày càng tăng từ Campuchia. Số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu hồ tiêu từ Campuchia tăng 111% so với cùng kỳ năm trước. Theo nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Nguyễn Nam Hải, sản lượng hồ tiêu ở các tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam ước đạt 30.000 tấn/năm, chủ yếu bán sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Hai năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên một lượng hồ tiêu Campuchia chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu nhập hồ tiêu để chế biến xuất khẩu.

Ở trong nước, Đắk Nông đang là một trong những địa phương có diện tích hồ tiêu lớn, với trên 33.000 ha, sản lượng trên 60.000 tấn/năm. Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Đắk Nông” cho sản phẩm hạt tiêu của tỉnh Đắk Nông. Chỉ dẫn địa lý dùng để chỉ dẫn cho các sản phẩm tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu trắng và được bảo hộ trên toàn tỉnh Đắk Nông.

Chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa đặc biệt với ngành hồ tiêu tỉnh Đắk Nông. Thể hiện sản xuất hồ tiêu ở Đắk Nông đã có những thay đổi lớn, hướng tới chuyên nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Không chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã, nhiều bà con nông dân cũng mạnh dạn sản xuất hồ tiêu theo hướng quy mô, hiện đại.

Theo bà Nguyễn Thị Tình - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, những năm gần đây, người dân đã thay đổi phương thức sản xuất hồ tiêu để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều vườn tiêu được công nhận đạt chuẩn hữu cơ của các đơn vị độc lập. Phong trào sản xuất sạch, tạo ra sản phẩm an toàn ngày càng được nhân rộng.

Nếu như vào thời điểm năm 2015, toàn tỉnh chỉ có ít hộ trồng tiêu hữu cơ thì đến nay, đã có khoảng 70 hộ, với tổng diện tích 237,7 ha. Đây là một bước tiến lớn đối với sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh. Với đà trên hồ tiêu Đắk Nông càng có cơ hội tốt hơn để thâm nhập vào thị trường quốc tế.