Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá trị ảo, rủi ro thật

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện những thương vụ chuyển nhượng hoa lan đột biến trị giá hàng tỷ đồng chỉ là chiêu trò nâng khống, tạo giá trị ảo… đã được các cơ quan chức năng và truyền thông cảnh báo suốt thời gian qua.

Mặc dù vậy, không ít người phần vì thiếu hiểu biết, phần vì lòng tham vẫn liên tục mắc bẫy, dẫn đến cảnh “tiền mất tật mang”.
Thời gian qua, những thông tin về lan đột biến chưa bao giờ hết nóng trên báo chí cũng như các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… Thậm chí, cụm từ “lan đột biến” trở thành câu cửa miệng để nói về ước mơ “làm giàu không khó” của nhiều người. Dù chưa rõ thực hư giá trị của loại hoa này nhưng một số người sẵn sàng ôm gia tài tích cóp nhiều năm nay, thậm chí cắm sổ đỏ vay ngân hàng để đầu tư vào… lan đột biến. Nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười cũng nảy sinh từ đây. Mới nhất, công an vừa phải vào cuộc xác minh thông tin liên quan vụ chủ vườn lan trên địa bàn huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội "ôm" tiền hơn 10 tỷ đồng của khách mua lan đột biến rồi bỏ trốn.

Theo các chuyên gia, với sự phát triển của công nghệ sinh học, kỹ thuật nuôi cấy mô hiện nay, không khó để tạo ra các dòng lan đột biến, thậm chí có thể sản xuất hàng loạt. Ở nhiều nước trên thế giới, người dân cũng chơi các dòng lan đột biến nhưng giá cũng ở mức bình thường và giao dịch với giá quy đổi hàng tỷ đồng như ở Việt Nam thì rất hiếm. Trước đây, giá lan ở Việt Nam cao cũng chỉ đến vào chục triệu đồng, song 2 năm trở lại đây, rộ lên “mốt” chơi lan đột biến và được người bán thổi lên hàng tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Các chuyên gia nhận định, mức giá này là rất bất thường và có dấu hiện lừa đảo, biến tướng của bán hàng đa cấp. Nếu tình trạng này không được ngăn chặn, sẽ có nhiều vụ lừa đảo xảy ra, gây ra hệ lụy lớn cho xã hội.

Thực tế, hệ lũy nhãn tiền từ những thương vụ lan đột biến tiền tỷ đã thấy rõ khi không ít người bị sập bẫy. Khi phát hiện bị lừa, nhiều người mua phải lan đột biến giả chỉ còn cách cay đắng chấp nhận vì kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay. Mới đây, Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam 4 tháng đối với một đối tượng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến thương vụ chuyển nhượng lan đột biến giả tiền tỷ. Hay Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam nữ siêu lừa, bán hoa lan giả qua mạng xã hội, chiếm đoạt 4,6 tỷ đồng…

Cơn sốt lan đột biến thời gian qua được ví như hiện tượng bong bóng đã từng xuất hiện ở lĩnh vực bất động sản. Như nhận định của Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, chỉ một thời gian nữa, lan đột biến sẽ trở về với giá trị thực. Bây giờ giao dịch không minh bạch, giá trị sử dụng không rõ ràng, không phổ quát cho toàn xã hội mà chỉ do số ít người làm theo trào lưu. Nếu không tỉnh táo khi tham gia giao dịch, mua bán sẽ có rất nhiều người bị khuynh gia, bại sản.

Chưa rõ hiệu quả kinh tế như thế nào nhưng hiệu ứng “nhà nhà trồng lan, người người trồng lan” từ nông thôn đến đô thị cũng là câu chuyện đáng bàn. Nếu chỉ trồng lan như một thú vui thì không có gì đáng nói, song nếu trồng, mua bán lan vì mục đích thương mại thì cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là lan đột biến. Cơ quan công an cảnh báo, tội phạm lừa đảo thường dựng lên giao dịch ảo, dàn cảnh nhiều người từ các nơi về đầu tư hoa lan đột biến để đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của người dân. Chính vì vậy, người dân hết sức thận trọng, tỉnh táo không nên lao vào "cơn lốc" lan đột biến, tránh rơi vào cảnh trắng tay.

T.T