Giá trị của mác nghèo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay cả các cán bộ, nhà khá giả cũng lao vào giành suất hộ nghèo. Liệu có phải họ chạy đua chỉ vì những khoản trợ cấp cho hộ nghèo?

Kỳ 1: Những ngôi nhà khuất ánh sáng

Những hộ nghèo “cán bộ”

Thôn Ngoại Độ, xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa) cũng có những cảnh bi hài trong cuộc đua giành suất hộ nghèo. Ông Đặng Đình Bút, gần 90 tuổi cho biết: “Gia đình tôi chỉ có 2 ông bà già, vợ tôi năm nay đã hơn 80 tuổi, quanh năm đau ốm, thu nhập chẳng có gì ngoài khoản trợ cấp dành cho người cao tuổi. Vậy mà năm 2012 còn được xét là hộ nghèo, nhưng từ 2013 tới nay thì không thuộc diện nghèo nữa”. Không hiểu có phải do người ta càng già thì càng nỗ lực lao động để thoát nghèo?
Ông Đặng Đình Trọng - Xã đội trưởng xây được nhà khang trang nhưng vẫn bình xét là hộ nghèo.
Ông Đặng Đình Trọng - Xã đội trưởng xây được nhà khang trang nhưng vẫn bình xét là hộ nghèo.
Cái khôi hài của việc già đi lại thoát nghèo ấy không khiến người ta xót xa bằng việc tại thôn này, có một loạt hộ nghèo “cán bộ”. Trong số những hộ nghèo ấy có: Ông Đặng Đình Trọng - Xã đội trưởng, vợ là giáo viên, nhà 2 tầng khang trang; ông Dư Ngọc Dũng - Phó trưởng thôn kiêm Phó Chủ nhiệm HTX, nhà cửa đàng hoàng. Còn tại thôn Tương Chúc (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì), gia đình ông Bí thư Chi bộ thôn Vũ Văn Hiệp thuộc diện hộ nghèo dù có nhà 3 tầng, con trai có xe taxi riêng kinh doanh… Nhiều những bất hợp lý vẫn ngang nhiên tồn tại.

Theo quy định bình xét hộ nghèo hiện nay, có thể nói cán bộ cấp thôn nếu có hậu thuẫn của cấp xã thì gần như toàn quyền trong việc cho ai đó (hoặc chính bản thân mình) được... nghèo. Về mặt nguyên tắc, việc bình chọn hộ nghèo tổ chức công khai, dân chủ thông qua bỏ phiếu. Tuy nhiên, có một đặc thù tại các vùng nông thôn ngoại thành, là cán bộ thôn thường là người đại diện cho một dòng họ nào đó, dòng họ đó lại luôn chiếm số đông, áp đảo các dòng họ khác về số lượng. Có việc này bởi việc bầu cán bộ thôn cũng qua bỏ phiếu, luật bất thành văn là hầu như ai cũng phải bỏ phiếu cho người của dòng họ mình. Và khi bình xét hộ nghèo thì cũng tương tự, cán bộ thôn muốn người dòng họ mình hay bản thân được suất hộ nghèo thì cũng sẽ có số phiếu áp đảo.

Tuy nhiên, những món quà Tết hỗ trợ người nghèo hay việc được miễn thu phí đường bộ cho diện nghèo… không phải là mục đích để những cán bộ, những người có điều kiện kinh tế quyết tranh suất hộ nghèo. Ưu đãi trong việc cấp đất và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới là mục tiêu họ hướng tới.

Chìa khóa mở kho báu

Điều 13 Nghị định 198 ngày 3/12/2004 của Chính phủ, quy định giảm 50% tiền sử dụng đất cho các hộ nghèo. Gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định giữ nguyên mức giảm 50% này. Theo đó, hộ nghèo sẽ được giảm 50% tiền sử dụng đất khi được cấp mới hoặc chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở.

Vì thế đã có những “kỳ án” mượn mác hộ nghèo xảy ra. Năm 2007, UBND huyện Thạch Thất đã có quyết định cấp đất giãn dân cho hộ gia đình bà Đỗ Thị Xuân (xã Canh Nậu, Thạch Thất). Trong đơn đề nghị gửi về UBND huyện Thạch Thất, ông Nguyễn Trung Thắng - Chủ tịch UBND xã Canh Nậu xác nhận gia đình bà Xuân thuộc diện gia đình hộ nghèo, xin miễn giảm 50% tiền sử dụng đất. Cũng như 11 hộ dân trong thôn, bà Xuân được miễn giảm tiền sử dụng đất. Bà Xuân nộp về UBND xã Canh Nậu 26,6 triệu đồng. Số tiền này tương đương với một suất đất (152m2) đã được miễn giảm 50% (giảm 53,2 triệu đồng xuống 26,6 triệu đồng). Tuy nhiên, sau khi hoàn tất việc nhận đất, UBND xã Canh Nậu tách đôi thửa đất. giao cho bà Đỗ Thị Thìn một nửa. Sự việc sau đó khiếu nại kéo dài. Ngày 7/9/2012, UBND xã Canh Nậu đã ban hành Quyết định: Đối với hai hộ bà Xuân và bà Thìn, do dựa vào sơ đồ quy hoạch phân lô đã được phê duyệt nên UBND xã Canh Nậu không xin UBND huyện Thạch Thất cho tách đôi thửa đất để cấp cho mỗi hộ một nửa mà thực hiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để bà Đỗ Thị Xuân đứng tên nhận đủ một suất (trên cơ sở thỏa thuận miệng giữa bà Thìn và bà Xuân).

Sự việc phức tạp, khó giải quyết này đơn giản chỉ là người không nghèo (bà Thìn) muốn mượn “mác” người nghèo (bà Xuân) với sự tiếp tay của UBND xã, để được giảm 50% tiền sử dụng đất. Chính vì vậy, nhiều người lao vào cuộc đua giành suất hộ nghèo để được giảm 50% tiền sử dụng đất này. Tiền sử dụng đất được tính là: Nếu chuyển mục đích sử dụng đất (bằng bảng giá đất x hệ số 1,0), giao đất ở mới (bằng bảng giá đất x hệ số 1,6). Với bảng giá đất của Hà Nội hiện nay (bám theo giá thị trường) cao nhất cả nước, số tiền 50% được giảm này sẽ rất lớn. Số tiền tối đa mà những hộ giả danh hộ nghèo trục lợi từ tiền sử dụng đất có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Hơn nữa, với tình hình sôi động tại các khu đang đô thị hóa tại ngoại thành Hà Nội, nơi quỹ đất còn nhiều, suất hộ nghèo luôn nằm trong diện ưu tiên được cấp đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sẽ là chìa khóa mở ra những kho báu.
(còn nữa)