Sẻ chia và thấu hiểu
Chị Minh Anh, 38 tuổi (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) sống ở Hà Nội từ bé. Trong trí nhớ của chị, khoảng 20 năm trở lại đây, Hà Nội lúc nào cũng tấp nập, ồn ào. Từ dân Hà Nội gốc đến dân bốn phương tụ hội ở Thủ đô luôn tất bật mưu sinh. Bản thân chị đã lập gia đình 11 năm, có 2 đứa con cũng cảm thấy một ngày luôn cần hơn 24 tiếng để hoàn thành việc cơ quan, việc nhà. Sáng 6 giờ cả nhà tỉnh dậy, vội vàng bước ra khỏi nhà. Con bé ở tuổi mầm non nên ăn sáng tại trường, con lớn thì vừa đi trên xe vừa hoàn thành bữa sáng được mẹ mua trên đường. 2 vợ chồng chị Minh Anh cũng tự ăn sáng gần công sở. Sớm thì 5 giờ chị tan ca, lại tất bật đưa đứa lớn đứa bé đi học thêm.
Một tuần gia đình chị Minh Anh chỉ có khoảng 4 bữa tối đầy đủ cả nhà, còn lại mỗi người một khung giờ. Thời gian chia sẻ của các thành viên trong gia đình tính ra chưa đủ 1 giờ mỗi ngày. Guồng quay như nhà chị Minh Anh không có gì là lạ lẫm với các gia đình ngày nay. Ai ai cũng vội vàng sống nhanh, làm nhanh.
Thế nhưng, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhịp sống của từng nhà thay đổi. Không còn cảnh ra ngõ là có hàng ăn, mỗi gia đình phải tự lo nấu ngày 3 bữa. Các thành viên trong mỗi gia đình cho rằng thực hiện cách ly khiến họ trở nên “sống chậm” lại, lắng nghe bản thân của mình cũng như thấu hiểu hơn tình cảm của người thân trong gia đình hơn.
Anh Minh Hoàng (Kim Mã, Hà Nội) chia sẻ: “Thời điểm này chúng ta đều có cơ hội quan tâm gia đình cũng như chăm sóc bản thân nhiều hơn. Thay vì những cuộc nhậu triền miên với đối tác và đồng nghiệp ngoài xã hội tôi cùng vợ nấu cơm, cùng pha một ấm trà ngon để thưởng thức, cùng tâm sự với nhau những chuyện mà trước kia vì bận rộn chẳng bao giờ có thể chia sẻ… Sống chậm lại và thư giãn để phòng chống dịch giúp cho mình cảm nhận hơn được những giá trị của hạnh phúc gia đình”.
Còn với người trẻ như Hoa hậu Ngọc Hân thay vì lịch trình một ngày đầu trong công việc như làm các công việc liên quan đến thiết kế áo dài, ra chợ vải làm việc với các nhà gia công, thợ thêu thùa may vá, duyệt mẫu từ xa, kết hợp với công việc đi quay, sự kiện...; thì nay, một ngày của Ngọc Hân chỉ xoay quanh các công việc cá nhân, làm việc online. Ngọc Hân thú thực, cô được sống chậm lại, tận hưởng những khoảnh khắc trước đây mình đã bỏ qua vì quá bận. Đặc biệt, những ngày ở nhà, Ngọc Hân đã thử tài nấu các món ăn và phát hiện ra khả năng bếp núc của mình.
Niềm vui bất ngờ tìm được
“Ở nhà không buồn”, đó là khẩu hiệu là phương châm sống của nhiều người, nhiều gia đình. Mỗi người có một cách giải trí cho riêng mình. Người thì dành thời gian đọc sách, người lại cặm cụi với gian bếp, trường phái khác là nghiền những bộ phim hấp dẫn. Và một trong những hoạt động yêu thích nhất của nhiều người trong thời gian cách ly xã hội là vào Hội Yêu bếp trên Facebook.
Được đắm chìm giữa các post khoe chồng hay loạt bài chia sẻ công thức nấu ăn để học theo chắc chắn sẽ khiến việc ở nhà của bạn không còn quá khó khăn. Chỉ trong vòng gần 2 tháng thành lập, Hội Yêu bếp đã thu hút hơn 1 triệu người tham gia.
Tuy nhiên, yêu bếp mãi cũng khó vì con người sống không chỉ để ăn. Thế nên các bạn trẻ thế hệ 8X đã lập thêm group mang tên Nghiện nhà, là chốn để mọi người chia sẻ sở thích sắp xếp, thiết kế nhà cửa cũng như khoe toàn cảnh căn nhà nơi mình đang sinh sống.
Bên cạnh đó, tất tần tật những gì liên quan đến nhà như kinh nghiệm nấu bếp, làm vườn, trang trí các căn phòng trong nhà... cũng có thể được tìm thấy trong group. Nghiện nhà hiện được điều hành bởi một dàn admin hùng hậu, trong đó nổi bật nhất chính là 2 chị em Nguyễn Hà Linh và Nguyễn Thu Hà. Được biết, Hà Linh sinh năm 1988, còn được biết đến với với tư cách CEO của chuỗi nhà hàng Koh Yam Thai. Trong khi đó, Thu Hà hay còn gọi là Hà Cúc lại nổi tiếng với thương hiệu thời trang cùng tên.
Chia sẻ về ý tưởng lập group Nghiện nhà, CEO Hà Linh chia sẻ: "Mình không muốn việc ở nhà mang đến một luồng năng lượng tiêu cực, mà muốn trong tình thế này sẽ tìm ra niềm vui mới, và Nghiện nhà ra đời. Hà Linh hy vọng rằng bằng việc thỏa sức viết bài, post ảnh về nhà mình - nơi mà bình thường trong lúc cuộc sống vội vã mình chưa để ý thì nay mọi người sẽ biết trân trọng nó hơn”.
Những ngày sống chậm chắc vẫn còn tiếp diễn không chỉ riêng tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới để đối phó với tình hình dịch Covid-19. Đôi khi những nếp sinh hoạt buộc phải thay đổi trong mùa dịch, nhưng đây cũng là khoảng thời gian người dân tìm lại thói quen cũ, đến với thói quen mới cùng không khí gia đình ấm cúng, tìm lại những sở thích và biết quan tâm đến cộng đồng nhiều hơn.
Trong quá khứ, người Việt xưa nhìn chung là có nhiều khoảng nông nhàn với nhịp điệu sống tương đối chậm rãi, thậm chí khá trì trệ. Trạng thái sáng vác ô đi tối vác về lây sang cả tầng lớp nho sĩ dài lưng tốn vải và một bộ phận nhàn quan loăng quăng khắp chốn. Chính vì thế, chúng ta sống chậm để thúc đẩy bước tiến của xã hội chứ không nên cổ vũ thái độ rề rà. Trong những tình thế khó khăn như giai đoạn cách ly phòng chống dịch này, người sống chậm sẽ tìm cách nhanh hơn một bước khi bắt tay làm công việc nào đó, ngay lúc bình minh vừa ló rạng. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ |
Nếu ngồi một mình và không làm gì cả, chúng ta lo rằng mình sẽ có vẻ như đang cô đơn, thậm chí là buồn thảm hay tệ hơn: Lười biếng và không hiệu quả. Chúng ta cảm thấy tội lỗi khi làm thế. Sự thật là, 5 phút không làm gì cả có thể có lợi cho bạn hơn là dành cả tiếng ngồi thiền hay 10 phút mà bạn dùng để xử lý danh sách những việc cần làm. Do đó, lần sau khi kết thúc sớm một buổi họp hay ngồi chờ đến lượt khám răng, đừng cố lấp đầy khoảng thời gian trống. Đừng làm gì cả. Hãy cho phép bản thân mình tồn tại. Hãy hít thở. Hãy bình tâm. Đó có thể là 5 phút tuyệt nhất trong ngày của bạn. Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - TS Khuất Thu Hồng |