Giá trị “mờ” của đường sắt đô thị

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường khẳng định, giá trị lớn nhất của đường sắt đô thị (ĐSĐT) là giá trị “mờ”. Đó là hiệu quả, tác động tích cực của ĐSĐT đối với giao thông, và sự phát triển xã hội của mỗi đô thị, có ý nghĩa quyết định và cũng là mục tiêu của việc xây dựng, phát triển ĐSĐT.

Khai thác tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để giảm tải ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Thanh Hải
Hiện số lượng phương tiện giao thông của Hà Nội đã lên đến 6,5 triệu, tốc độ gia tăng trên 10%/năm, UTGT vẫn thường xuyên diễn ra tại nhiều nơi. Theo Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Mai Trọng Thái cho biết, đánh giá tổng hợp diễn biến chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, bụi PM2.5 thường vượt chuẩn cao nhất, đặc biệt tại các trạm quan trắc chất lượng không khí giao thông. Chính điều kiện khí tượng bất lợi kết hợp với khí thải từ giao thông, xây dựng… đã làm bầu không khí Hà Nội luôn bị tích tụ thêm chất ô nhiễm.
Dọc hành lang tuyến ĐSĐT 2A Cát Linh - Hà Đông hiện có 43 tuyến buýt hoạt động, chiếm tới 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới buýt trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, có 40 tuyến có trợ giá của TP và 3 tuyến không trợ giá. Kết nối tới ga Yên Nghĩa có 17 tuyến, ga La Khê có 12 tuyến, ga Văn Khê có 11 tuyến, ga Hà Đông có 9 tuyến, ga Văn Quán có 14 tuyến, ga Phùng Khoang có 10 tuyến, ga Vành đai 3 có 10 tuyến, ga Thượng Đình có 10 tuyến, ga Láng có 4 tuyến, ga Thái Hà có 5 tuyến, ga La Thành có 4 tuyến và ga Cát Linh có 5 tuyến.

Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải
Trong bối cảnh UTGT và ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, nhiệm vụ hạn chế phương tiện giao thông được đặt lên hàng đầu. Muốn làm được điều đó, không thể thiếu ĐSĐT. Bởi đây là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại cho hàng nghìn người mỗi chuyến. Đây sẽ là xương sống của hệ thống giao thông đô thị Hà Nội, có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hạn chế phương tiện cá nhân. Ông Trường khẳng định: “Việc thu hồi vốn, tính toán hiệu quả kinh tế riêng của ĐSĐT là khó. Nhưng những giá trị mà nó mang lại trong thực tế thì vô cùng lớn. Không đô thị lớn nào phát triển mà thiếu được vận tải công cộng khối lượng lớn, trong đó có ĐSĐT”.

Cũng theo ông Vũ Hồng Trường, mới đây lãnh đạo Bộ GTVT đã đi thị sát và chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị, đặc biệt là Tổng thầu Dự án gấp rút hoàn thiện các hạng mục, nhanh chóng bàn giao cho Hà Nội vận hành; nhưng thời điểm cụ thể được bàn giao còn chưa thể ấn định chính xác. Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết, chỉ đợi bàn giao là đưa vào vận hành tuyến ĐSĐT số 2A Cát Linh – Hà Đông.

Để phát huy năng lực, hiệu quả của tuyến ĐSĐT 2A Sở GTVT đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào khai thác.

Cụ thể như, điều chỉnh 4 tuyến buýt trùng lộ trình với tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông (tuyến số 02, 21, 27 và 33), duy trì hoạt động của tuyến buýt 01. Điều chỉnh các tuyến tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối của tuyến đường sắt đô thị; duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang, lộ trình với tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Ngoài ra, bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến đường sắt đô thị, như vậy toàn tuyến có 65 điểm dừng với cự ly bình quân giữa các điểm là 400m; đề xuất bổ sung thêm 14 nhà chờ xe buýt, nâng tổng số nhà chờ dọc tuyến là 28.