Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam giảm 19%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/3, cho thấy, hiện giá trị thương hiệu Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia trong khối các nước ASEAN.

Số liệu của Công ty Brand Finance (DN hàng đầu thế giới về cố vấn và định giá thương hiệu), năm 2014, giá trị thương hiệu Việt Nam được định giá là 172 tỷ USD thì năm 2015 chỉ còn 140 tỷ USD (giảm 19%). Thậm chí, thương hiệu quốc gia Việt Nam còn thấp hơn thương hiệu điện thoại Apple (Mỹ) được định giá 170,3 tỷ USD. Đại diện Brand Finance cũng chỉ ra một số tồn tại trong việc xây dựng chiến lược thương hiệu của Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố giá trị gia tăng của sản phẩm trong hoạt động xuất khẩu. Cụ thể là nhiều sản phẩm còn xuất dưới dạng thô nên giá trị gia tăng thấp, thậm chí có những thương hiệu của Việt Nam có uy tín trên thị trường quốc tế, nhưng người tiêu dùng trong nước lại chưa bao giờ biết đến.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Hoàng Ngân - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP Nhựa Bình Minh cho rằng: DN Việt Nam không chỉ yếu về năng lực kỹ thuật công nghệ mà còn yếu cả về năng lực tài chính, quản trị. Bên cạnh đó, Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam đang tập trung hỗ trợ DN lớn, trong khi các DN nhỏ và vừa cũng cần được hỗ trợ để qua đó đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang liên tục ký kết các Hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định TPP nên việc xây dựng quảng bá thương hiệu DN, thương hiệu, quốc gia là điều quan trọng. “Nếu không có biện pháp cần thiết, xây dựng, quảng bá thương hiệu thì các DN sẽ không tận dụng được cơ hội mà các hiệp định FTA tạo ra” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cảnh báo.

Về vấn đề hỗ trợ DN xây dựng, quảng bá thương hiệu, ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khẳng định: Thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực trong việc hỗ trợ DN xây dựng quảng bá thương hiệu. Cụ thể, tạo điều kiện cho các DN được quảng bá và phát triển thương hiệu tại thị trường trong nước và nước ngoài; tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chia sẻ thông tin, kết nối với hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, giúp cho các DN nhất là DN mang thương hiệu quốc gia Việt Nam phát triển và quảng bá thương hiệu của mình…