Giá trị văn hóa của các dân tộc đang dần biến mất

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước ta có tới 54 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa riêng biệt. Thế...

Kinhtedothi - Nước ta có tới 54 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa riêng biệt. Thế nhưng, nét văn hóa ấy đang thay đổi mỗi ngày, từ trang phục, tiếng nói đến những phong tục truyền thống. Những nét văn hóa đó hoặc bị biến đổi hoặc bị phai nhạt, thậm chí có nguy cơ biến mất.

“Muốn được nhìn thấy người mặc trang phục truyền thống của dân tộc thì phải đến xã Phúc Sen, Quảng Uyên, Cao Bằng, đây là một bản của người dân tộc Nùng An còn giữ được nhiều nét văn hóa nhất tại nơi đây”. Đó là lời chỉ dẫn của người dân Cao Bằng khi chúng tôi muốn tìm hiểu về trang phục truyền thống của họ. 
Chỉ những người già trong làng còn mặc trang phục truyền thống.
Chỉ những người già trong làng còn mặc trang phục truyền thống.
Phúc Sen cách thị xã Cao Bằng khoảng 35km đi theo đường số 3. Nhìn bao quát trong xã có rất nhiều ngôi nhà được xây dựng với phong cách hiện đại, duy chỉ có bản Nũng Vài là có nhiều ngôi nhà truyền thống còn được lưu giữ. Đây cũng là một bản có thể dễ bắt gặp những người mặc trang phục dân tộc nhất ở đất Cao Bằng này. 

Tuy dễ trông thấy trang phục truyền thống trong bản nhưng thực chất người mặc chỉ là những cụ già. Theo lời anh Lương Văn Dự - người dân trong bản: "Ngoài những cụ già từ 70 tuổi trở lên thường xuyên mặc còn những người khác chỉ dịp lễ Tết, cưới xin mới mặc, bọn trẻ bây giờ không còn mặc trang phục này nữa". Anh cũng cho biết thêm nhiều năm nay không thấy ai trong bản may trang phục nữa bởi vì may một bộ rất phức tạp và cầu kì, tốn rất nhiều thời gian.
Một già làng nói với chúng tôi: "Để may được một bộ trang phục phải mất cả tháng trời, cây chàm lấy về phải dìm xuống nước 2 ngày rồi rắc vôi lên. Sau đó sẽ kéo thành sợi, quấn quanh các cột nhà rồi mới dệt. Các công đoạn đều được làm thủ công hoàn toàn nên mất khá nhiều thời gian, có khi tới 2 tuần mới xong bộ trang phục”.

Trang phục nam thì đơn giản không khác gì trang phục bình thường của người kinh. Nhưng trang phục nữ khá cầu kì, họ phải thêm một cái vi quần (là một chiếc khăn quấn ngoài quần giống váy dài) và một chiếc khăn quấn đầu được dùng vải mỏng hơn vải may quần áo. Áo của nam thì cài khuy giữa còn của nữ thì cài khuy lệch. Cũng chính sự cầu kỳ này gây bất lợi cho họ trong hoạt động hàng ngày nên dần dần không ai mặc nữa.

Lý do chính dẫn đến trang phục truyền thống ở vùng này bị mai một là do du nhập quá nhiều văn hóa khác vào. Ngoài học theo văn hóa ăn mặc của người kinh vì có tính hiện đại và tiện lợi thì chuyện ăn mặc còn bị ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc. Đây là vùng giáp ranh biên giới với Trung Quốc, thường xuyên diễn ra những hoạt động giao thương với đất nước này.

Người trong bản đều cho rằng khi mặc những trang phục hiện đại thì việc tiếp xúc với người Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn. Cứ như vậy, nhiều năm nay trang phục truyền thống vải chàm bị mai một đi. Thậm chí, thanh niên trong bản có những người chưa từng mặc trang phục truyền thống này bao giờ.
Chỉ một thế hệ nữa thôi là bản sắc trang phục dân tộc của riêng họ sẽ không còn.
Chỉ một thế hệ nữa thôi, bản sắc trang phục dân tộc của riêng họ sẽ không còn.
Cùng với sự mai một về trang phục, tiếng nói riêng của người Nùng tại đây cũng đang dần mất đi. Chỉ những cụ già và một số người trung niên trong bản mới giữ lại được tiếng nói của dân tộc mình. Những người từ 50 đến trên 60 tuổi đều biết nói cả tiếng kinh và tiếng dân tộc minhg còn những người thuộc độ tuổi dưới 20 không còn biết nói tiếng Nùng nữa. và như thế, chỉ cần qua một thế hệ nữa, người dân tộc Nùng không còn biết nói tiếng của riêng họ.

Để gìn giữ những bản sắc văn hóa dân tộc, xã Phúc Sen đã đứng lên tổ chức các lễ hội truyền thống. Tết Thanh minh là một lễ hội lớn nhất tại đây, trước đây cứ đến mùa lễ hội mỗi bản lại có những hoạt động vui chơi riêng nhưng bây giờ xã tổ chức tại một địa điểm chung. Trong lễ hội khuyến khích mặc trang phục và chơi những trò chơi mang đậm nét văn hóa riêng của dân tộc.

Đây không phải là dân tộc duy nhất bị phai nhạt đi những giá trị văn hóa truyền thống. Việc bảo vệ và phát huy những giá trị đó đang là điều cần thiết. Nếu không có những hành động để bảo vệ, những giá trị đó sẽ có nguy cơ biên mất hoàn toàn thay vào đó là sự du nhập của nhiều văn hóa khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần